Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực chứng khoán

Tuấn Phùng

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 tổ chức sáng 04/04/2022, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ Công an vừa qua đã vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.

Trước đó, ngày 30/3/2022, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường chứng khoán, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn. Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán...

Trong thời gian qua, nhằm tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, bền vững, Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia. Đồng thời, siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhất là trong hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Chẳng hạn như thời gian qua, liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC thao túng thị trường chứng khoán theo kết luận của Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra. “Tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính là thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán”, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Theo các chuyên gia chứng khoán, các biện pháp xử lý vi phạm và làm rõ tội danh của cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán cho thấy Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán đang rất nỗ lực và quyết tâm làm minh bạch thị trường chứng khoán, để thị trường chứng khoán bước lên một tầm cao mới.

“Chỉ đạo của Bộ Tài chính và các Bộ liên quan giúp các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức thêm tin tưởng vào thị trường, đồng thời làm “chùn bước” các đội lái, các cá nhân, tổ chức có mưu đồ thao túng thị trường”, ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư S-Talk nhấn mạnh.

Thực tế cũng cho thấy, quyết tâm làm minh bạch thị trường chứng khoán của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính đã giúp củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán tiếp tục trở lại đà tăng điểm.

Trong phiên đầu tuần ngày 04/04/2022, vn-Index tăng 8,26 điểm (+0,54%), lên 1.524,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 780 triệu đơn vị, giá trị hơn 26.751 tỷ đồng, giảm 19,4% về khối lượng nhưng nhích nhẹ về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 1/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 86 triệu đơn vị, giá trị 1.926,54 tỷ đồng. 

Trong khi HNX-Index tăng 4,59 điểm (+1,01%) lên 458,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 84 triệu đơn vị, giá trị 2.675 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 180 tỷ đồng. Trên cả hai sàn, số lượng mã cổ phiếu tăng giá đều áp đảo, cao hơn so với số lượng mã cổ phiếu giảm giá.

Trước đó, trong phiên cuối tuần ngày 01/04/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tiếp tục củng cố xu thế tăng điểm khi VN-Index tăng 24,29 điểm (+1,63%), lên 1.516,44 điểm trong khi HNX-Index tăng 4,48 điểm (+1%) lên 454,1 điểm.