Thúc đẩy tín dụng giúp đảm bảo tăng trưởng GDP

Theo Bảo Nguyên/doanhnhansaigon.vn

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III - 2017 cho thấy, có 41,5% DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn quý trước, có 17,9% DN đánh giá gặp khó khăn và 40,6% DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định.

Tăng trưởng tín dụng năm 2017 dự kiến chỉ đạt 16,3%, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu 18% của NHNN. Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Tăng trưởng tín dụng năm 2017 dự kiến chỉ đạt 16,3%, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu 18% của NHNN. Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Dự kiến quý IV so với quý III năm nay có 52,6% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 11% DN dự báo khó khăn hơn và 36,4% DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định. Xu hướng quý IV được đánh giá khả quan hơn so với quý III với 48,9% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên, 10,4% số DN dự kiến đơn hàng giảm và 40,7% số DN dự kiến có đơn hàng ổn định.

Dù tình hình sản xuất, xuất khẩu của DN được cho là khởi sắc hơn nhưng quý cuối cùng của năm 2017, mục tiêu đảm bảo tăng trưởng GDP cũng được nhấn mạnh là nhiệm vụ quan trọng và không dễ dàng. Báo cáo Triển vọng Thị trường Việt Nam tháng 9/2017 với chủ đề Tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng do Khối Nghiên cứu, Ngân hàng HSBC Việt Nam thực hiện đã nêu ra những giải pháp, thuận lợi và thách thức của Chính phủ Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ này.

Trong nửa đầu năm 2017, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 5,7%, trong khi mức nợ công cao, các nhà làm chính sách đã lên tiếng muốn đạt được tăng trưởng cao hơn thông qua kênh tín dụng. Tại cuộc họp của các quan chức cấp cao trong tháng 9, có nêu việc tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% cho cả năm 2017, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trong bài phát biểu rằng "Việt Nam nên khuyến khích tiêu dùng trong nước, tạo niềm tin cho thị trường, đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất và kinh doanh" bên cạnh việc có nhiều biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào về việc tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất bất ngờ trong tháng 7 đã thể hiện Chính phủ có kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017 thông qua kênh tín dụng. Một cuộc điều tra của NHNN được thực hiện ngay trước khi cắt giảm lãi suất cho thấy tăng trưởng tín dụng năm 2017 dự kiến chỉ đạt 16,3%, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu 18% của NHNN.

Theo HSBC, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 6 năm qua. HSBC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng tiếp trong quý IV và dễ dàng vượt mức 18,3% của năm 2016.

HSBC đưa ra giả định tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm vẫn tương ứng với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm sẽ đạt mức 19,3%. Trong khi đó, việc cắt giảm lãi suất của NHNN trong tháng 7 cũng sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng và làm cho Chính phủ dễ dàng đạt được mục tiêu 21%.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Ví dụ, các lĩnh vực liên quan đến bất động sản dường như cho thấy vẫn đang góp phần nhiều nhất vào tổng tăng trưởng tín dụng cả nước, mặc dù trong những tháng gần đây, sự đóng góp của bất động sản đã giảm.

Báo cáo của HSBC Việt Nam bày tỏ, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm, tuy nhiên điều này có thể gây ra nhiều thách thức về chất lượng tín dụng có thể được tạo ra trong việc đạt được mục tiêu mới, trong bối cảnh nợ xấu giải quyết chậm. Hơn nữa, theo HSBC, việc phân bổ tín dụng là rất quan trọng vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải cạnh tranh về vốn với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các DN tư nhân lớn khác.

Tại buổi báo cáo cập nhật tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 hồi cuối tháng 9 rồi, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nhấn mạnh, trong vấn đề tăng trưởng tín dụng, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay.