Thuế chuyển nhượng chứng khoán: Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình hoàn thiện ở Việt Nam

Theo Tạp chí Chứng khoán

(Tài chính) Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước sử dụng công cụ thuế cùng với các công cụ kinh tế khác nhằm tạo cân đối vĩ mô, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và công bằng xã hội. Việc áp dụng các chính sách thuế phù hợp vừa phát huy được các thế mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) vừa khuyến khích các bên tham gia thị trường là vấn đề đặt ra với nhiều cơ quan hữu quan. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến thuế chuyển nhượng chứng khoán trên thế giới từ góc nhìn của một số nhóm nghiên cứu, kinh nghiệm quốc tế về những ảnh hưởng của nó tới sự phát triển của TTCK và lộ trình hoàn thiện ở Việt Nam.

Các sắc thuế hiện hành trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK trên thế giới

Thuế chuyển nhượng chứng khoán được áp dụng đối với việc chuyển nhượng các công cụ tài chính, từ cổ phiếu, trái phiếu (trái phiếu chính phủ - TPCP và trái phiếu doanh nghiệp - TPDN), sản phẩm phái sinh cho đến các khoản chuyển nhượng vốn trong lĩnh vực ngân hàng.

Thuế chuyển nhượng chứng khoán được áp dụng trên 40 quốc gia đã và đang phát triển, thuế suất áp dụng tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế, hệ thống tài chính đặc thù của mỗi quốc gia, mức cao nhất là 2% và thấp nhất là 0,00001%. Đặc trưng phổ biến của các giao dịch chứng khoán là đều phải đăng ký nên cũng có người cho rằng thuế này cần xếp vào nhóm thuế đăng ký hoặc thuế tem. Nghĩa vụ thuế có thể do người bán chịu thuế hoặc người mua chịu thuế tùy theo quy định của từng nước, chẳng hạn Nhật Bản quy định người bán chứng khoán phải chịu thuế, trong khi Thụy Sỹ lại quy định mỗi bên chịu thuế một nửa.

Thuế chuyển nhượng chứng khoán là một chính sách có lịch sử lâu dài, ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, nó vẫn là tâm điểm đáng chú ý của nhà đầu tư trên TTCK. Thông thường, việc áp thuế chuyển nhượng chứng khoán có 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, thuế chuyển nhượng chứng khoán là tiềm năng tăng thu đáng kể cho ngân sách, đặc biệt trong tình hình mất cân đối ngân sách tại nhiều quốc gia. Năm 2011, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế chuyển nhượng 0,1% đối với cổ phiếu và trái phiếu và 0,01% đối với hợp đồng phái sinh. Việc áp thuế chuyển nhượng chứng khoán tại EU đã nhận được sự ủng hộ của đa số các quốc gia trong liên minh, đặc biệt, Pháp đã áp mức thuế suất 0,2% có hiệu lực từ ngày 1/8/2012. Ủy ban Chứng khoán (UBCK) EU đã ước tính mức tăng thu cho ngân sách từ thuế chuyển nhượng chứng khoán vào khoảng 57 tỷ Euro mỗi năm.

Thứ hai, việc áp thuế chuyển nhượng chứng khoán có thể giúp ngăn chặn được tình trạng đầu cơ tiềm tàng gây bất ổn định cho thị trường. Tuy nhiên, có một số quan điểm ngược chiều cho rằng, việc áp dụng thuế này sẽ tạo ra một số hậu quả như tăng biến động giá chứng khoán, làm cho chênh lệch giữa giá mua - giá bán (bid-ask) lớn hơn, ảnh hưởng đến giá chứng khoán và làm giảm khối lượng giao dịch (KLGD). Để có thể đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng khi áp thuế chuyển nhượng, cần nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của nó đến chất lượng thị trường qua các khía cạnh như: sự biến động, khối lượng thanh khoản và chi phí vốn.

Ảnh hưởng của thuế chuyển nhượng chứng khoán đến TTCK

Từ các nghiên cứu thực tế trên cơ sở các giả thiết: (i) Ảnh hưởng của thuế chuyển nhượng chứng khoán là khác nhau khi cấu trúc thị trường và chính sách thay đổi; (ii) Tạm bỏ khối lượng ra khỏi các nhân tố tạo ổn định hoặc gây mất ổn định của các thành phần trên thị trường; (iii) Sử dụng những phương pháp phân tích khác nhau để tìm ra mối liên hệ giữa thuế chuyển nhượng với giá chứng khoán. 

Biến động thị trường

Nhiều nghiên cứu đồng ý với quan điểm cho rằng tăng chi phí giao dịch sẽ giảm số lượng đầu cơ, do đó sẽ làm giảm biến động. Keynes (1936), Tobin (1978), Stiglitz (1989), Summers (1989) đều đưa ra giả thiết rằng các giao dịch không dựa trên các thông tin giá trị cơ bản của chứng khoán (giá trị nội tại), các giao dịch này được thực hiện sẽ làm giảm chất lượng thông tin bao gồm trong giá làm phản ánh không đúng giá trị chứng khoán, cũng chính là nguyên nhân tạo ra những biến động trên thị trường. Áp thuế chuyển nhượng chứng khoán sẽ hạn chế tình trạng giao dịch “bất thường”, như vậy thị trường ổn định hơn. Cho tới thời điểm hiện nay, vẫn có nhiều tranh luận xung quanh những nghiên cứu về ảnh hưởng của thuế chuyển nhượng chứng khoán đến tính ổn định của thị trường. Cụ thể:

Nhóm nghiên cứu thứ nhất cho thấy mối quan hệ tích cực giữa thuế chuyển nhượng và biến động thông qua nghiên cứu của Umlauf (1993) trên TTCK Thụy Điển vào những năm 1980; Johns và Seguin (1997); Baltagi, Li và L (2006) đưa ra minh chứng thực tế trên TTCK Trung Quốc; Pomeranets và Weaver (2011) dựa trên kiểm tra sự thay đổi các mức thuế áp dụng đối với các giao dịch trên thị trường New York;

Nhóm nghiên cứu thứ hai dựa trên mối quan hệ ngược giữa thuế chuyển nhượng và biến động trên thị trường. Liu và Zhu (2009) chứng minh thông qua tỷ lệ hoa hồng trên TTCK Tokyo (Nhật Bản) giảm cùng thời điểm giảm thuế chuyển nhượng, kết quả cho thấy biến động trên thị trường tăng. Mặc dù vậy, bằng chứng thực nghiệm chứng minh mối ràng buộc này là giới hạn;

Nhóm thứ ba gồm những nghiên cứu của Roll (1989), Saporta và Kan (1997), Hu (1998), Phylaktis và Aristidou (2007), Sahu (2008) kiểm tra biến động lợi nhuận cổ phiếu tại 23 quốc gia nhưng không có bằng chứng nào cho thấy biến động trên thị trường có liên quan đến việc áp thuế chuyển nhượng.

Một trong những lý do được đưa ra để áp thuế chuyển nhượng là có thể làm giảm mức biến động thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh thị trường đang sụt giảm, khi nhà đầu tư luôn chờ giá tăng có thể thu lợi nhuận cao hơn mới tham gia giao dịch hoặc khi chi phí giao dịch tăng thì thuế này phần nào làm tăng mức độ bất ổn hiện hữu của thị trường.

Khối lượng giao dịch (KLGD)

Các nghiên cứu của Grundfest và Shoven (1991), Schwert và Seguin (1993), O’Hara và Saar (2009), Pomeranets và Weaver (2011) đều đi đến kết luận rằng thuế chuyển nhượng có thể khiến doanh số hoặc thị phần thị trường thấp hơn do: nhà đầu tư thực hiện giao dịch với tần suất giảm hoặc ngưng giao dịch do chi phí tăng cao hay chuyển sang các giao dịch không bị áp thuế hay áp thuế thay thế thấp hơn thuế chuyển nhượng. Việc áp thuế cần phải tính đến các yếu tố quốc tế bởi nếu thị trường nội địa áp thuế cao hơn các thị trường khác thì sẽ phải đối mặt với tình trạng nhà đầu tư sẽ dịch chuyển tài sản sang một thị trường khác có mức chi phí thấp hơn.

Thanh khoản

Công trình nghiên cứu của các tác giả Stiglitz (1989), O’Hara và Saar (2009), Pomeranets và Weaver (2011) từ các nghiên cứu thực tế trên thị trường đưa ra kết luận: các giao dịch được thực hiện sẽ giảm do áp thuế chuyển nhượng và là nguyên nhân giảm thanh khoản trên thị trường.

Chi phí vốn

Một phương pháp khác dùng để kiểm định giả thiết cho rằng việc áp thuế chuyển nhượng sẽ khiến chi phí vốn tăng làm giảm tần suất giao dịch trong nghiên cứu thực nghiệm của Amihud và Mendelson (1992).

Tuy nhiên, nhằm mục tiêu hướng tới ổn định thị trường cũng như ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay, hầu hết các nước đều áp thuế chuyển nhượng với mức thuế suất được điều chỉnh phù hợp, tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi thị trường, mỗi quốc gia.

Kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán

Bảng 1. Thuế chuyển nhượng chứng khoán của một số quốc gia trên thế giới

Quốc gia

Cổ phiếu

TPDN

TPCP

 Hợp đồng tương lai

Chi tiết

Argentina

0,6%

0,6%

0,6%

0,6%

Được áp dụng từ tháng 3/2000

Úc

0,3%

Hiện nay là 0,15%

0,15%

-

-

Giảm ½ từ năm 1990 cho cả người mua và người bán.

Trung Quốc

0,5% hoặc 0,8%

[0,1%]

0

-

Không áp dụng đối với trái phiếu; áp thuế mức cao tại thị trường Thượng Hải

Hồng Kông

0,3% + 5 đô la Hồng Kông thuế tem

[0,1%]

[0,1%]

-

Năm 1993 - Thuế chuyển nhượng cổ phiếu được giảm từ 0,6%; năm 1999 không áp thuế cho giao dịch trái phiếu.

Ấn Độ

0,5%

0,5%

-

-

 

Indonesia

0,14% + 10% VAT/ lãi

0,03%

0,03%

-

 

Hàn Quốc

0,3% [0,45%]

0,3% [0,45%]

-

-

Giảm năm 1996

Malaysia

0,5%

0,5%

0,015% [0,03%]

0,0005%

 

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor đánh giá tiềm năng từ khoản thu thuế chuyển nhượng cho các nước đang phát triển đạt ở mức 2,9 tỷ USD đến 14,5 tỷ USD. Trong nghiên cứu được đề cập ở Bảng 2, khi tỷ lệ thuế thay đổi 0,1% - 0,5%, khả năng giảm KLGD là thấp. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu ảnh hưởng tỷ lệ thuế thay đổi được áp dụng đến tổng thể thị trường, đặc biệt đối với các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển.

Thuế chuyển nhượng chứng khoán tại Việt Nam

Lĩnh vực chứng khoán được coi là lĩnh vực khá phức tạp, việc đầu tư vào chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, nên để TTCK phát triển, thu hút nhà đầu tư tham gia, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, trong đó, thuế là một công cụ quan trọng. Bởi vậy, việc xây dựng chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán cần được cân nhắc theo hướng tạo ra cơ chế ưu đãi hợp lý, nhằm khuyến khích TTCK phát triển hiệu quả và lành mạnh, để đảm đương tốt hơn vai trò huy động vốn cho nền kinh tế. Trên thực tế, dòng tiền luân chuyển trên thị trường vốn quốc tế rất linh hoạt giữa các nước, nên nếu không có chính sách thu hút đầu tư đủ hấp dẫn, trong đó có cơ chế thuế, thì sẽ khó thu hút được dòng vốn nước ngoài tham gia mạnh mẽ vào TTCK trong giai đoạn tới.

Nắm bắt được vai trò quan trọng đó, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế. Cụ thể, năm 2009, khi TTCK gặp khó khăn, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cả năm đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán. Năm 2011, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ cổ tức mà cá nhân thực nhận từ ngày 1/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 do đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp; giảm 50% số thuế TNCN đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân từ ngày 1/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng để phát triển TTCK, cần hàng loạt chính sách đồng bộ, trong đó thuế chỉ là một trong những chính sách nhằm hỗ trợ thị trường.

Hơn nữa, nếu có miễn thuế cũng không có nhiều ý nghĩa, bởi trên thực tế, số thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng chứng khoán năm 2010 chỉ là 188,7 tỷ đồng; năm 2011 là 210 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với số thu thuế TNCN từ hoạt động đầu tư vốn (năm 2010 là 642 tỷ đồng và năm 2011 là 1.300 tỷ đồng). Việc miễn thuế cho hoạt động chuyển nhượng chứng khoán cũng cần tính đến mối tương quan với thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn trong trường hợp miễn thuế cho tất cả các hoạt động này sẽ khiến ngân sách bị giảm thu đáng kể.

Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, đã tham gia đầu tư thì mọi tổ chức, cá nhân đều có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập vào ngân sách. Trong bối cảnh cả nền kinh tế đang khó khăn, không chỉ có hoạt động đầu tư vốn, đầu tư chứng khoán mà hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn. Trong khi doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế thì không có lý do gì lại miễn thuế đối với hoạt động đầu tư vào TTCK. Với mức thuế suất 20%, trên thực tế, hoạt động đầu tư chứng khoán đang được ưu đãi hơn so với hoạt động sản xuất - kinh doanh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 25%.

Lộ trình hướng tới hoàn thiện cơ chế thuế nhằm khuyến khích các bên tham gia TTCK

Theo Chiến lược Cải cách Thuế, phải đến năm 2015, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mới có thể giảm xuống 22 - 23% và phấn đấu đến năm 2020 mới giảm xuống bằng với thuế suất thuế TNCN hiện đang áp dụng đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 được Quốc hội thông qua vào ngày 22/11/2012. Để triển khai thực hiện Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2013/NĐ-CP (Nghị định 65/CP) ngày 27/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN. Ngày 15/8/2013, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 111/2013/TT-BTC (Thông tư 111/BTC) hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN và Nghị định số 65/CP của Chính phủ. Những chính sách sửa đổi này đã góp phần đáng kể trong việc hoàn thiện chính sách thuế TNCN theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và giải quyết một số bất cập trước đây của luật thuế chuyển nhượng chứng khoán đối với cá nhân. Một số điểm mới là:

Trước đây, Thông tư số 84/2008/TT-BTC quy định cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được áp dụng thuế suất thuế TNCN 20% phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ và đăng ký thực hiện ổn định với cơ quan thuế trước ngày 31/12 của năm trước. Trong năm, các giao dịch chuyển nhượng được công ty chứng khoán tạm khấu trừ thuế 0,1% giá trị chuyển nhượng và đến hết năm, cá nhân quyết toán toàn bộ hoạt động đầu tư trên TTCK, nếu không có thu nhập, thì không phải nộp thuế, được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ. Cá nhân không đăng ký phương pháp nộp thuế 20% trên thu nhập, thì khoản thuế bị khấu trừ, tạm nộp 0,1% là xong và không phải quyết toán lại. Những quy định trên dẫn đến không ít nhà đầu tư cá nhân tính sổ cả năm thì không có lãi, thậm chí lỗ, nhưng vẫn phải nộp thuế 0,1%.

Bởi vậy, sẽ rất khó tránh khỏi nỗi bức xúc của nhà đầu tư. Do vậy, để bảo đảm nguyên tắc của thuế TNCN là chỉ thu thuế khi cá nhân có thu nhập chịu thuế, Thông tư số 111/BTC quy định là một mặt, vẫn giữ nguyên 2 phương pháp tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán; mặt khác, không yêu cầu nhà đầu tư phải đăng ký phương pháp nộp thuế từ năm trước, mà cho phép họ lựa chọn tự khai, tự tính thuế trong dịp quyết toán thuế khi hết năm. Nhà đầu tư thấy phương pháp nào có lợi hơn thì thực hiện. Quy định mới này đã giải quyết được bức xúc của nhà đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế. Đây là một giải pháp thiết thực góp phần hỗ trợ, tạo thuận lợi cho sự phát triển của TTCK.

Đối với cá nhân cư trú, khi chuyển nhượng cổ phần trong các công ty chưa phải là công ty đại chúng, nhà đầu tư chịu mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế của mỗi lần chuyển nhượng (bằng giá bán trừ giá mua và các chi phí liên quan). Còn với việc chuyển nhượng cổ phần trong các công ty đại chúng thì áp dụng thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế cả năm. Điều này cho thấy sự bất hợp lý khi cùng là một hoạt động đầu tư vào cổ phần nhưng hai hình thức này lại chịu hai cách tính thuế khác nhau khi xét trên khía cạnh Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.

Do vậy, Thông tư 111/BTC đã sửa đổi cách tính thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần trong các doanh nghiệp, đó là áp dụng thống nhất việc xác định thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần không phân biệt cổ phần của công ty đại chúng hay chưa phải công ty đại chúng đều là chuyển nhượng chứng khoán. Điều này có nghĩa là áp dụng thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế chuyển nhượng chứng khoán cả năm và cá nhân chuyển nhượng vẫn phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần, cuối năm cá nhân thực hiện quyết toán thuế. Đối với cá nhân không cư trú: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán áp dụng thuế suất thuế TNCN 0,1% trên tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn, chuyển nhượng chứng khoán tại tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Thuế chuyển nhượng chứng khoán được tính bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất. Thuế suất áp dụng là 20%. Thu nhập tính thuế bằng giá bán ghi trên hợp đồng chuyển nhượng vốn trừ đi giá mua và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, đối với chứng khoán chưa niêm yết để giao dịch trên SGDCK, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường UpCom thì việc xác định giá mua, giá bán chứng khoán lại rất khó chính xác. Đối với các loại chứng khoán này, thông thường người mua và người bán có thể thỏa thuận miệng với nhau và theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, sau đó doanh nghiệp có chứng khoán phát hành sẽ làm thủ tục chuyển nhượng từ người bán sang người mua mà không có bất kỳ hợp đồng có giá trị về mặt pháp lý nào để chứng minh giá mua - bán trên thực tế.

Việc người bán muốn khai giảm giá bán và người mua muốn khai tăng giá mua để giảm thu nhập tính thuế là điều khó tránh khỏi và khó có giải pháp giải quyết triệt để. Đặc biệt là những giao dịch thỏa thuận (nhất là giao dịch thỏa thuận lô lớn), trong đó mức giá thỏa thuận thấp hơn (thậm chí thấp hơn nhiều) mức giá chuyển nhượng trực tiếp trên sàn. Trong trường hợp này, nếu các giao dịch lô lớn không qua sàn mà giá giao dịch ở mức hợp lý thì vẫn chấp nhận được. Mức hợp lý ở đây là giá không được chênh quá nhiều so với giá giao dịch trên sàn. Tuy nhiên, mức chênh lệch hợp lý là bao nhiêu thì vẫn chưa được quy định cụ thể. Và kết quả là số tiền thu thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phiếu không cao do hợp đồng ghi giá bán bằng giá mua hoặc chênh lệch không đáng kể

Bên cạnh các loại chi phí hợp lý, hợp lệ thông thường như chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng, các khoản phí và lệ phí mà người chuyển nhượng phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng, phí lưu ký, phí ủy thác chứng khoán, Thông tư 111/BTC cũng bổ sung thêm các loại chi phí mới như phí môi giới chứng khoán khi chuyển nhượng, phí dịch vụ tư vấn đầu tư và cung cấp thông tin, phí chuyển khoản, chuyển quyền sở hữu qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Đây là một điểm mới đã được đưa vào Thông tư 111/BTC bởi vì các chi phí này thực sự phát sinh nhưng thường không giống nhau và không có một quy chuẩn nào để xác định mức độ hợp lý của chi phí.

Việc áp dụng thuế chuyển nhượng chứng khoán sẽ gây ra những tác động nhất định đến TTCK. Do vậy, để thị trường hoạt động ổn định, theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, thông thường có loại thuế riêng áp dụng đối với thu nhập có được từ chuyển nhượng chứng khoán và thường tính theo một tỷ lệ thuế suất nhân với doanh số bán. Chính phủ có thể điều chỉnh tỷ lệ này trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của thị trường (khi thị trường phát triển nóng, Chính phủ có thể nâng tỷ lệ thu thuế này lên và khi thị trường suy giảm, sức cầu kém thì Chính phủ lại hạ tỷ lệ thu này xuống hoặc có thể miễn thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán).

Như vậy, khi xây dựng cơ chế thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán như là một loại thuế riêng, không liên quan tới thuế thu nhập và không gắn bản chất với thuế thu nhập thì việc thu thuế cũng như quản lý thuế sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời, Chính phủ cũng có thể sử dụng công cụ này để hỗ trợ thị trường một cách nhanh chóng, nhạy bén hơn mà vẫn mang lại hiệu quả cao.

Bảng 2. Thuế chuyển nhượng - một số đánh giá cho các nước đang phát triển

Quốc gia và vùng lãnh thổ

Giá trị giao dịch (triệu USD)

Thu từ thuế (ngàn USD) (0,1%)

Thu từ thuế (ngàn USD)

1998

2001

2003

1998

2001

2003

0,05%

Khối lượng không giảm

0,5%

Giảm 25% khối lượng

0,5% Khối lượng giảm 50%

2003

2003

2003

Hàn Quốc

145572

703960

682706

145572

703960

682706

3413530

2560417,5

1706765

Malaysia

29889

20772

50135

29889

20772

50135

250675

188006,25

125337,5

Trung Quốc

284769

448928

476813

284769

448928

476813

2384065

1788048,75

1192032,5

Đài Loan

1291524

544808

592012

1291524

544808

592012

2960060

2220045

1480030

Thái Lan

21618

35705

96573

21618

35705

96573

482865

362148,75

241432,5

(Nguồn: Dự báo TTCK toàn cầu của Standard & Poor)