Thương hiệu công ty chứng khoán

Theo thoibaonganhang.vn

Điều gì góp phần tạo nên thương hiệu của công ty chứng khoán: Thị phần, bề dày lịch sử, nguồn vốn, kết quả kinh doanh, công nghệ, nghiệp vụ hay mức độ nhận diện của nhà đầu tư, hay tất cả?

Để tạo nên thương hiệu của công ty chứng khoán, còn đòi hỏi sự chuyên sâu, chuyên biệt rất lớn. Nguồn: internet
Để tạo nên thương hiệu của công ty chứng khoán, còn đòi hỏi sự chuyên sâu, chuyên biệt rất lớn. Nguồn: internet

Thực tế, một thương hiệu mạnh trong bất kỳ ngành nghề nào cũng phải hội tụ đủ các yếu tố trên, nhưng với riêng ngành chứng khoán, yêu cầu thậm chí còn khắt khe hơn và gần như không thể để “chìm” bất kỳ yếu tố nào. Trong khoảng 2 năm qua, một số công ty chứng khoán như KB Việt Nam, Mirae Asset, Yuanta… đã được các tổ chức tài chính nước ngoài bơm vốn khá mạnh để phát triển thương hiệu.

Tuy kỳ vọng và tiềm năng nhiều là vậy, nhưng các công ty này vẫn cần có thêm thời gian và cả thời cơ để khẳng định tên tuổi của mình. Hiện 75% thị phần cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thuộc về các công ty chứng khoán kỳ cựu như SSI, HSC, VN Direct… và nhóm này đang giữ thị phần rất chắc, các công ty khác muốn chen chân vào cũng không phải đơn giản. Vì vậy, cần có thêm những sản phẩm mới như hợp đồng tương lai, chứng quyền có đảm bảo để đưa cuộc cạnh tranh về lại ban đầu trong một mảng mới, cũng là thời cơ cho các công ty chứng khoán mới.

Nhưng ở đây, cũng cần nói thêm lịch sử tuy không phải là lợi thế tuyệt đối cho hoạt động của một công ty chứng khoán, nhưng chắc chắn là một giá trị bảo chứng quan trọng nếu các công ty đẩy mạnh hoạt động.

Chẳng hạn, BSC trong khoảng một năm qua đã đẩy mạnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các hoạt động tư vấn, lựa chọn, khuyến nghị cổ phiếu và ít nhiều đã tạo ra được dấu ấn cho các nhà đầu tư. Sử dụng AI không chỉ trong chứng khoán mà trong nhiều ngành cũng đang là “mốt” nên chiến lược của BSC rõ ràng là ấn tượng và phù hợp, cho thấy nỗ lực làm mới, thay đổi mình và như vậy, nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn cho giao dịch của mình.

Trong khi đó, dù hoạt động không phải quá sôi nổi trong khoảng nửa thập kỷ qua, nhưng giá trị thương hiệu của BVSC vẫn là điều mong muốn của nhiều công ty chứng khoán khác. Là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường, tuy thị phần hiện nay không phải là quá lớn, nhưng BVSC vẫn có các lợi thế đặc biệt trong mảng tư vấn cổ phần hóa, tư vấn IPO, lên sàn.

Nói như ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC, thì việc đào tạo được nhân sự trong lĩnh vực tư vấn hay ngân hàng đầu tư phải mất hàng năm. Đó là chưa kể, uy tín của nhân sự chủ chốt trong mảng này cũng gắn liền với tên tuổi của doanh nghiệp. Vì vậy, xét riêng trong mảng ngân hàng đầu tư, tư vấn cổ phần hóa thì BVSC vẫn là một tên tuổi.

Xét tổng thể, để tạo nên thương hiệu của công ty chứng khoán, không chỉ phải hội tụ đủ các yếu tố, cân bằng được tương quan mà còn đòi hỏi sự chuyên sâu, chuyên biệt rất lớn. Sự khác biệt ở đây còn nằm ở chất lượng dịch vụ, khả năng tư vấn của nhân viên cũng như các giải pháp bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; và quan trọng nhất nằm ở yếu tố con người.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng  khoán SSI đã phân tích: Sự thú vị của thị trường chứng khoán nằm ở chỗ các thông tin đầu vào là giống nhau khi nhiều nhà đầu tư tiếp nhận, nhưng khác biệt lại nằm ở đầu ra, tức là cách xử lý của từng nhà đầu tư. Như vậy, công ty chứng khoán nào có thể hỗ trợ nhà đầu tư xử lý tốt nhất, hiệu quả nhất sẽ có lợi thế lớn nhất, và điều đó góp phần tạo nên thương hiệu cho công ty chứng khoán.