Tiềm năng cổ phiếu cảng biển, vận tải?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn ít nhiều bị ảnh hưởng kể cả những lĩnh vực dịch vụ vận tải, cảng biển. Tuy nhiên, ngành nghề nào cũng có những DN vượt qua khó khăn, duy trì được mức tăng trưởng tốt. Thậm chí, một số DN không những duy trì được sức tăng trưởng ổn định mà còn có lợi nhuận đột phá.

Tiềm năng cổ phiếu cảng biển, vận tải?
Cổ phiếu của các DN cảng biển đang được giao dịch ở mức giá rất cao. Nguồn: internet
Vào đầu năm, nhiều dự báo cho thấy DN cảng biển, vận tải, kho bãi sẽ gặp khó khăn, khó có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định, thậm chí có thể bị sụt giảm mạnh. Vậy mà, bất chấp những khó khăn chung, DN cảng biển, vận tải, kho bãi lại bất ngờ được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể về lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định trong suốt thời gian qua.

Niềm tin ở vận tải, kho bãi

Theo đó, cổ phiếu vận tải - kho bãi (VT-KB) đã có mức tăng trưởng mạnh, khiến cho cổ phiếu nhóm này cũng có những bứt phá. Trong 9 tháng năm 2013, nhóm cổ phiếu thuộc nhóm ngành VT-KB đạt 23.880 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,8% so với năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm ngành này cũng tăng 10,6%, đạt 831,3 tỷ đồng.

Theo thống kê, chỉ số nhóm ngành VT-KB (VS-Transport) cũng đã tăng trưởng hơn 44,8%; cao hơn gấp đôi so với mức tăng chỉ có 21,7% của chỉ số VN-Index.

Dòng tiền nóng cũng bắt đầu đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu này khi tổng khối lượng giao dịch từ đầu năm đến nay đạt hơn 962 triệu đơn vị, tăng 29,3% so với năm trước. Điều đó chứng tỏ nhóm cổ phiếu này cũng được hưởng lợi rất lớn từ đà tăng điểm của thị trường.

Trong nhóm cổ phiếu vận tải đường thuỷ có mức tăng trưởng vượt bậc như: GMD, PVT, VIP, VOS, VTO… Chỉ tính riêng khối lượng giao dịch của 5 mã cổ phiếu trên đạt tổng cộng 709 triệu đơn vị, chiếm tới 73,7% tổng khối lượng giao dịch của toàn nhóm ngành.

Việc dòng tiền đổ mạnh vào các mã cổ phiếu trên nhiều khả năng xuất phát từ kết quả hoạt động kinh doanh khả quan. Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế của GMD, PVT, VIP, VTO đạt tổng cộng 527,7 tỷ đồng, chiếm tới hơn 63% trong tổng số lợi nhuận của ngành vận tải - kho bãi.

Điển hình trong số này đó là PVT, lợi nhuận sau thuế của công ty này 9 tháng đầu năm 2013 đạt 176 tỷ đồng, vượt gấp 4,5 lần so với kế hoạch đề ra cả năm là 39 tỷ đồng.

Cổ phiếu có động lực tăng trưởng mạnh đó là PVT đạt kết quả khả quan là do mức lỗ tỷ giá hạch toán vào chi phí trong quý 2/2013 chỉ gần 29 tỷ đồng nhờ tỷ giá USD/VNĐ chỉ tăng 1%, trong khi cùng kỳ phải ghi nhận đến 124 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của VTO cũng đạt 23,4 tỷ đồng, vượt 2,4 lần so với kế hoạch đề ra cả năm 2013 dù chỉ nhờ thanh lý tàu Petrolimex 04. Tương tự, VIP cũng có lợi nhuận đột biến khi chuyển nhượng tài sản và đất thuê tại cảng Container Đình Vũ, Hải Phòng. Trong khi đó, GMD vẫn duy trì được lợi nhuận tích cực với 166 tỷ đồng, cùng với kỳ vọng lợi nhuận đột biến từ việc bán tòa nhà Gemadept.

Trên thực tế, tình hình hoạt động kinh doanh của các công ty nói trên vẫn chưa thật sự khả quan khi lợi nhuận đột biến chủ yếu xuất phát từ lợi nhuận bất thường như bán tàu hoặc hạch toán chênh lệch tỷ giá. Có thể thấy tình hình hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp nhóm ngành VT-KB vẫn chưa khả quan trở lại.

Cảng biển hấp dẫn?

Theo nhận định, các DN kinh doanh cảng biển sẽ đạt mục tiêu đề ra khi các hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng. Tuy nhiên, việc cạnh tranh trong ngành sẽ hứa hẹn ngày càng nhiều khốc liệt về sau.

Trên sàn chứng khoán hiện có 5 DN cảng biển đang niêm yết gồm: Công ty cổ phần Container Việt Nam (VSC), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ (DVP), Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá (DXP), Công ty cổ phần Cảng rau quả (VGP) và PDN. Các DN này tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong 9 tháng với mức tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 16,7%.

Cổ phiếu DXP giảm hơn 27% được dự báo trước khi DN này không mở rộng đầu tư mà chi trả cổ tức bằng tiền mặt quá cao (tỷ lệ 70% năm 2012).

Trong lĩnh vực đầu tư, VSC là DN đi đầu với hệ thống cảng biển hiện đại bậc nhất hiện nay. VSC hiện đang sở hữu cảng Green Port với cầu tàu dài 340m và 4 cầu trục xoay có thể tiếp nhận từ 10 - 12 tàu/tuần. Để hỗ trợ tăng trưởng, VSC đang có kế hoạch mua lại cổ phần của các DN trong cùng lĩnh vực. Đặc biệt, VSC còn có kế hoạch đầu tư vào một trung tâm logistics tại Khu công nghiệp Đình Vũ. Với trung tâm logistics này, VSC sẽ sở hữu hệ thống kho bãi hiện đại nhất khu vực miền Bắc.

Doanh thu trong quý III của VSC đạt 213 tỷ đồng (tăng 9%), lợi nhuận ròng đạt 59 tỷ đồng (tăng 15%). Lũy kế 9 tháng, VSC ghi nhận 577 tỷ đồng doanh thu và 161 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Tương tự, DVP có doanh thu đạt 129 tỷ đồng (tăng 13%), lợi nhuận ròng đạt 50 tỷ đồng (tăng 8%) trong quý III. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của DVP đạt 377 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 154 tỷ đồng. Do công suất cảng đều chạm ngưỡng nên DVP cũng có kế hoạch đầu tư thêm hệ thống kho bãi để duy trì mức tăng trưởng trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, các DN kinh doanh cảng biển có hoạt động kinh doanh hiệu quả, cộng với mức chi trả cổ tức cao, được đánh giá hấp dẫn nhất trên sàn.

Trong lúc cổ phiếu vận tải biển đều đang được giao dịch ở mức thấp dưới mệnh giá thì DN cảng biển lại được giao dịch ở mức giá rất cao. Đây là những cổ phiếu khá tiềm năng, có thanh khoản ổn định, thích hợp cho cả nhà đầu tư dài hạn và lướt sóng.