Tìm cách giảm rủi ro trong tiếp cận và cho vay vốn

Theo Đại biểu Nhân dân

Thay vì tìm cách hạ lãi suất hơn nữa và rồi đi kèm với rủi ro là lạm phát quay lại, theo TS. Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc Nghiên cứu doanh nghiệp của Ngân hàng Sumitomo Mitsui, chi nhánh Singapore, điều cần làm là tìm cách giảm được mức độ rủi ro trong tiếp cận và cho vay từ phía doanh nghiệp và ngân hàng, để vốn ngân hàng đến được nơi cần đến.

Tìm cách giảm rủi ro trong tiếp cận và cho vay vốn
Điều cần làm hiện nay là tìm cách giảm được mức độ rủi ro trong tiếp cận và cho vay từ phía doanh nghiệp. Nguồn: Internet

Tin ai, ngân hàng hay doanh nghiệp?

Đang có hai luồng ý kiến khác nhau về lãi suất cho vay. Phía ngân hàng cho rằng, tín dụng không thể tăng trưởng là do khả năng hấp thụ của nền kinh tế, và lãi suất hiện giờ không còn là vấn đề chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, vẫn có những tiếng nói của doanh nghiệp kêu rất khó tiếp cận vốn và lãi suất hiện vẫn cao. Theo ông, nên tin ai, ngân hàng hay doanh nghiệp?

Cả 2 bên đều phóng đại hoặc cực đoan hóa vấn đề. Đúng là, hạ lãi suất có thể sẽ không tự động dẫn đến tăng đáng kể đầu tư và nhu cầu tín dụng, gọi là tình trạng bẫy thanh khoản nếu nền kinh tế đang bị nợ xấu làm khó, lòng tin của ngân hàng vào doanh nghiệp giảm sút và ngân hàng nhìn đâu cũng thấy rủi ro nên không, không muốn cho doanh nghiệp vay nữa hoặc xét nét hơn khi cho vay. Tình trạng nền kinh tế hiện nay có thể làm cho một số người liên hệ đến tình trạng bẫy thanh khoản này. 

Nhưng không thể tuyệt đối hóa, cực đoan hóa hiện tượng này và nói tất cả các doanh nghiệp đều khó tiếp cận vốn và với lãi suất cao. Khó hay không và cao hay không phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng của doanh nghiệp và mục đích và tính khả thi của dự án vay vốn của doanh nghiệp. Không ngân hàng nào dại dột ngoảnh mặt với những doanh nghiệp tốt cả. Và việc tín dụng vẫn tăng trưởng dương là một bằng chứng đầy thuyết phục rằng ngân hàng vẫn cho vay, hoặc nói cách khác, nhiều doanh nghiệp vẫn vay được và với lãi suất chịu được đấy chứ? Tất nhiên cũng phải công nhận con số doanh nghiệp vay được này không thể bằng được trước đây, nhưng đó là sự việc tất yếu đi kèm với mỗi giai đoạn suy giảm tăng trưởng.

Ngược lại, ý kiến cho rằng khả năng hấp thụ của nền kinh tế suy yếu nên doanh nghiệp vay tiền cũng không biết để làm gì dù lãi suất đã không còn là vấn đề nữa cũng không hoàn toàn đúng. Một khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương, và không thể nói là tăng trưởng thấp được khi tốc độ vẫn là trên dưới 5%/năm, điều đó có nghĩa là cầu của nền kinh tế vẫn tăng lên, vẫn tạo ra nhiều cơ hội mới để hấp thụ các dự án sản xuất kinh doanh mới.

Và thậm chí cho dù tăng trưởng có chững lại, tụt xuống dưới âm thì mọi người trong xã hội vẫn cần phải ăn, mặc, đi lại và tiêu dùng cái gì đó, có nghĩa là chí ít các doanh nghiệp vẫn nhìn thấy cơ hội, từ đó sẽ vay vốn nhằm duy trì sản xuất kinh doanh đáp ứng được những nhu cầu này của xã hội. Và tất nhiên cũng cần phải thừa nhận nhu cầu đó có thể nhỏ đi và, do đó, quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể cũng sẽ nhỏ đi so với trước. Nhưng đây cũng là điều tất yếu đi kèm với tăng trưởng suy giảm.

Dòng vốn bị tắc, theo ông, có phải là nút thắt của nền kinh tế hiện nay không?

Đương nhiên, đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn của mình như nền kinh tế Việt Nam, bất kể trở ngại nào đó cản trở đến luồng chảy này đều gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nền kinh tế đó và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, ít nhất trong ngắn hạn. 

Song, điều quan trọng là phải thấy rằng sự việc là như vậy nhưng không thể giải quyết nhanh chóng bằng những biện pháp cực đoan mà một số người đang hô hào như dùng mệnh lệnh buộc ngân hàng thương mại phải hạ tiêu chuẩn cho vay xuống hoặc cấp thẳng vốn từ ngân sách hay từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho các doanh nghiệp được. Giải quyết tình trạng này cần thời gian không phải ngắn, tính bằng tháng, mà tính theo vài quý đến hàng năm, cũng như cần nhiều giải pháp kinh tế và ít giải pháp hành chính nếu không muốn mọi sự phục hồi của nền kinh tế, nếu có, chỉ là tạm thời để rồi lại nhanh chóng rơi vào suy sụp ở mức độ còn lớn hơn.

Đánh giá về lãi suất cho vay hiện nay, ông thấy đã hợp lý chưa? 

Như đã nói ở trên, khi bẫy thanh khoản đã xảy ra thì dùng công cụ lãi suất để kích thích đầu tư quả thật sẽ không còn nhiều tác dụng. Cũng phải nhắc lại luận điểm đầy cảm tính của nhiều chuyên gia trước đây, coi hạ lãi suất là chìa khóa cho sự phục hồi đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Lúc đó, lãi suất cho vay vượt trên 20%/năm, họ cho rằng để doanh nghiệp sống được và kinh doanh có lãi thì lãi suất phải ở mức 15%. Thế rồi lúc lãi suất hạ xuống 15% thì họ lại kêu gọi NHNN hạ lãi suất xuống nữa thì doanh nghiệp mới có lãi. Và nay thế nào thì đã rõ. Vậy, lãi suất thấp không luôn luôn là đũa thần cho phục hồi kinh tế. 

Cần theo đuổi chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng 

Để khơi dòng vốn, chính sách tiền tệ giờ đã không còn dư địa nữa, vì thế, đến lúc phải dùng cả chính sách tài khóa, ví dụ, tăng bội chi, nới giới hạn nợ công... Ông có ủng hộ quan điểm này không?

Vì lãi suất không còn là đũa thần cho vấn đề nữa, nên trong tình cảnh hiện nay, thay vì chăm chăm tìm cách hạ lãi suất hơn nữa, và rồi đi kèm với rủi ro là lạm phát quay lại, điều cần làm là tìm cách giảm được mức độ rủi ro trong tiếp cận và cho vay cả từ hai phía, doanh nghiệp và ngân hàng, để vốn ngân hàng đến được nơi cần đến, nơi có nhu cầu. Ở nghĩa này thì quả đúng hạ lãi suất hơn nữa cũng không làm tăng đáng kể mức đầu tư vào nền kinh tế. Có nghĩa là dư địa của chính sách tiền tệ quả là không còn mấy nữa và đừng nên “tận thu” trong lĩnh vực này.

Ngược lại, có nên dùng bội chi ngân sách để kích thích đầu tư, tiêu dùng và tăng trưởng hay không là câu hỏi không dễ trả lời. Vấn đề là chúng ta có nên chấp nhận đánh đổi lòng tin vào chính sách, vào các cam kết ổn định vĩ mô bước đầu đã ra hình hài, có nên hy sinh những nỗ lực ổn định hóa trong suốt 2 năm qua trong khuôn khổ của một nỗ lực lớn hơn, bao trùm lên trên hết – tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế - để đổi lấy sự phục hồi kinh tế chắc chắn sẽ là mong manh, ngắn hạn, nếu có?

Trong khi đó, như đã nói ở trên, làm cách nào đó để giảm thiểu rủi ro tiếp cận và cho vay vốn là những biện pháp tuy khó nhưng không phải là không thể, và chắc chắn là sẽ với phí tổn ít hơn rất nhiều và bền vững hơn cũng rất nhiều so với biện pháp tăng chi tiêu Chính phủ thông qua tăng bội chi. Thực ra, nhiều trong số các biện pháp tái cơ cấu cái này cái kia mà người ta vẫn nhắc đến thành câu cửa miệng trong suốt hơn 2 năm qua cũng chính là những biện pháp sẽ góp phần cải thiện tiếp cận vốn từ cả 2 phía ngân hàng và doanh nghiệp. Có điều, nay dường như chuyện tái cơ cấu đã bị gạt sang bên.

Theo ông, chính sách tài khóa và tiền tệ nên phối hợp với nhau như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?  

Thực sự tôi không bi quan quá như những người trong cuộc, căn cứ vào những con số thống kê do Chính phủ báo cáo. Nếu tình hình đúng như những gì Chính phủ báo cáo thì việc thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng thận trọng như và hơn hiện nay vẫn là điều cần theo đuổi, vì luôn cần nhớ rằng mọi sự phục hồi theo kiểu giật gấu vá vai đều chỉ có tính ngắn hạn, để rồi phí tổn giải quyết hậu quả còn tốn kém hơn nhiều so với một sự phục hồi từ từ bằng những biện pháp kinh tế lành mạnh, dài hơi.

Xin cảm ơn ông!