Tìm kịch bản cho thị trường tuần tới

Theo Nhật Huỳnh/nhadautu.vn

Các công ty chứng khoán nhận định thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng giá và cú giảm trong phiên cuối tuần chỉ là nhịp điều chỉnh, chưa quá tiêu cực.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch với nhiều diễn biến giằng co trong bối cảnh sự phân hóa giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa kết thúc. Cụ thể, trong những phiên đầu tuần (15 – 17/11), chỉ số nhìn chung chỉ giằng co đi ngang quanh ngưỡng 1.470 mà không ghi nhận nhịp tăng hay giảm mạnh nào.

Tuy nhiên trong những phiên cuối tuần, sau nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.480 thì lực bán chốt lời áp đảo và tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu tăng nóng vừa qua, khiến VN-Index quay đầu giảm sâu và thậm chí có thời điểm lùi về sát mốc 1.435 điểm trong phiên thứ sáu cuối tuần (19/11) trước khi thu hẹp đáng kể mức giảm về cuối phiên. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì tăng trưởng tốt khi liên tục ở mức trên 30.000 tỷ trong suốt tuần giao dịch.

Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index giảm 21,02 điểm (-1,19%) và đạt mức 1.452,35, còn HNX Index tăng 2,79% lên mức 453.97.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều sụt giảm trong tuần qua, trong đó cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 8,5% giá trị vốn hoá, nguyên nhân chủ yếu là do sự giảm mạnh của các cổ phiếu thép như HPG (-12,1%), HSG (-16,1%), NKG (-15,7%), SMC (-16,5%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng với mức giảm 6,1% giá trị vốn hóa, do đà giảm của các trụ cột trong ngành như GAS (-10,2%)...

Nhóm dầu khí mất 3,1% giá trị vốn hoá với hàng loạt mã điều chỉnh như BSR (-12,1%), OIL (-5,2%), PVD (-7,2%), PVS (-10,8%), PVB (-1,7%)... Nhóm công nghệ thông tin giảm 2,4% giá trị với trụ cột là FPT (-2,8%)... Nhóm hàng tiêu dùng (-1,7%) và y dược (-0,5%) giảm nhẹ. Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp tăng mạnh nhất với 2,5% giá trị vốn hóa, ngành tài chính tăng nhẹ 0,6% vốn hoá nhờ đà tăng của các cổ phiếu chứng khoán như SSI (+8,7%), HCM (+5,3%), VCI (+2,8%), VND (+7,3%), SHS (+11,2%)...

Phân tích về diễn biến tuần qua, SHS đánh giá mức giảm là không mạnh, tuy nhiên thanh khoản trong tuần lại lập kỷ lục mới cho thấy áp lực bán trong tuần qua là thực sự đáng chú ý.

SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 22-26/11, VN-Index có thể tăng điểm trở lại để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và mua thêm khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ 1.450 điểm có thể tận dụng những phiên tăng điểm trong tuần tới để chốt lời một phần danh mục đã mua trước đó, việc mua thêm vào thời điểm hiện tại cần thận trọng và chọn lọc kỹ lưỡng.

Cùng quan điểm, SSI cho rằng dù xâm phạm khá sâu vùng hỗ trợ 1.450-1.435 điểm trong phiên cuối tuần, tuy nhiên chỉ số VN-Index đóng cửa vẫn nằm ở cận trên của vùng hỗ trợ này. Một khi chỉ số VN-Index vẫn chưa xâm phạm mức cận dưới 1.425 điểm thì xu hướng tăng hướng lên mốc 1.500 điểm vẫn được duy trì.

Về khung đồ thị tuần, theo TVSI, VN-Index đã xác nhận nhịp điều chỉnh đầu tiên khi xuất hiện cây nến giảm điểm bao trùm 2 cây nến tăng giá trước đó và tiếp tục đóng cửa dưới mốc cao nhất thành lập trước đó tại 1.480 điểm. Dù vậy, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng giá và cú giảm trong phiên cuối tuần chỉ là nhịp điều chỉnh, chưa quá tiêu cực.

“Các tín hiệu về việc dòng tiền dịch chuyển dần vào rổ VN30 đang ngày càng rõ ràng và nhóm vốn hóa lớn dự báo sẽ giao dịch khởi sắc trở lại trong tuần giao dịch tới. Chúng tôi đánh giá rằng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, chỉ số chính được dự báo tiếp tục đà tăng giá sau các nhịp điều chỉnh rung lắc như hiện tại”, TVSI cho biết.

Tương tự, MBS cũng cho rằng phiên cuối tuần chỉ là phiên rũ bỏ dành cho một số cổ phiếu tăng nhanh trước đó, còn về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng điểm.

“Dù vậy, thị trường có thể sẽ có thêm những nhịp rung lắc mạnh trong tuần tới. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn rất tốt và dòng tiền vẫn ở lại thị trường, ngoài ra nhóm mã trụ là bank đã được tiếp thêm động lực cần thiết để có thể quay trở lại dẫn dắt thị trường”, MBS cho biết.

Về phần mình, VCBS đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu cho thấy những dấu hiệu điều chỉnh giảm để tích lũy lại sau nhịp tăng vượt mốc 1.400 điểm cuối tháng 10. Việc đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc và thêm vào đó là việc chỉ số VN-Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.480 điểm đang làm cho tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng hơn.

Do đó, công ty này khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bảo toàn thành quả từ đợt tăng điểm vừa qua và quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại.

“Mặt khác, chúng tôi cũng nhìn nhận rằng một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập theo xu hướng tích lũy đi ngang hiện tại của chỉ số chung quanh ngưỡng 1.450 và ít có khả năng sẽ xuất hiện một nhịp giảm mới trong ngắn hạn. Theo đó, nhà đầu tư đã bắt đầu có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ để tích lũy dần những mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và tiểm năng tăng trưởng tích cực cho mục tiêu đầu tư trung – dài hạn”, VCBS khuyến nghị.