Tín dụng nông nghiệp: Vừa cho vay, vừa...run

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Nông nghiệp, lĩnh vực từng bị các ngân hàng thờ ơ, nay bỗng nhiên “lên đời” khi được các ngân hàng tranh nhau mời cho vay vốn, song rất ít ngân hàng thương mại cổ phần “chạy đua” cho vay trong lĩnh vực này.

Tín dụng nông nghiệp: Vừa cho vay, vừa...run
Nông nghiệp, lĩnh vực từng bị các ngân hàng thờ ơ, nay được các ngân hàng tranh nhau mời cho vay vốn. Nguồn: internet
Vốn vào nông nghiệp tăng mạnh

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 20/9, tín dụng tăng trưởng đạt 6,05%, trong khi huy động vốn của toàn hệ thống tăng gần 12%. Như vậy, huy động vốn tăng trưởng cao gấp đôi so với tín dụng.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối (Ngân hàng VIB) nhận xét: “Dường như người dân và doanh nghiệp đang thích gửi tiền vào ngân hàng hơn là đầu tư, kinh doanh”.

Trong bối cảnh ngân hàng thừa vốn, nhiều ý kiến lo ngại, ngân hàng sẽ dồn vốn cho vay phi sản xuất, cho vay tiêu dùng để hưởng lãi suất cao, song thực tế không hẳn như vậy.

“Tín dụng càng khó tăng trưởng, thì lại càng hướng vào sản xuất. Giờ không còn ngân hàng nào dám cho vay bất động sản, trong khi cho vay mua ô tô và cho vay hộ gia đình cá nhân khó khăn, nên chỉ còn cách cho vay xuất khẩu và cho vay nông nghiệp”, ông Trung nói.

Hiện đi đầu cho vay nông nghiệp vẫn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, tăng trưởng tín dụng nông nghiệp tại ngân hàng này vẫn khá tốt. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của Agribank.

Không chỉ Agribank, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, trong đó có LienVietPostBank. Hiện dư nợ cho vay nông nghiệp của ngân hàng này chiếm tới 60% tổng dư nợ.

Một số ngân hàng trước đây ít quan tâm đến cho vay nông nghiệp, nay cũng yêu cầu các chi nhánh mở rộng cho vay nông nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP, tín dụng nông nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến đầu quý III/2013, tín dụng nông nghiệp đã đạt hơn 622.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với thời điểm Nghị định 41/2010/NĐ-CP có hiệu lực (năm 2010). Tín dụng nông nghiệp trong 3 năm gần đây đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm.

Để khuyến khích tín dụng nông nghiệp phát triển, thời gian qua, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp, như quy định trần lãi suất cho vay thấp với lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ các tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp - nông thôn lớn...

Vừa cho vay, vừa run

Tín dụng nông nghiệp tăng mạnh, song ngoài các ngân hàng quốc doanh, thì rất ít ngân hàng thương mại cổ phần “chạy đua” cho vay trong lĩnh vực này. Trên thực tế, dù tốc độ tăng trưởng của tín dụng nông nghiệp khá cao, song dư nợ tín dụng xét về con số tuyệt đối vẫn thấp. Vốn ngân hàng hiện chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu vốn của địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Thậm chí, theo thống kê của Hội Nông dân Việt Nam, chỉ khoảng 4% hộ nông dân của Hội tiếp cận được với tín dụng ngân hàng.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết thêm, hiện nay, liên kết trong ngành nông nghiệp rất lỏng lẻo, bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, nên ngân hàng vừa cho vay, vừa run.

“Hai năm gần đây, chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh cho vay nông nghiệp. Tuy nhiên, với nông dân, chúng tôi chỉ cho vay những hộ đã tham gia bảo hiểm nông nghiệp hoặc đã ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Còn với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi chỉ lựa chọn những doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu tốt, với những nhóm hàng tốt, như thủy sản, hạt tiêu...”, vị lãnh đạo này nói.

Ông Nguyễn Tiến Đông cũng thừa nhận, cho vay nông nghiệp rủi ro rất lớn, không chỉ do trình độ, năng lực quản lý, mà còn do thiên tai, dịch bệnh. Chưa kể, nếu cho vay nhỏ lẻ, thì chi phí hoạt động sẽ khá cao. Đây cũng là lý do mà chỉ những ngân hàng có mạng lưới chi nhánh rộng, ở gần địa bàn nông thôn mới có thể mạnh dạn cho vay trong lĩnh vực này.