Tín dụng: Tăng trưởng khi kiểm soát được rủi ro

Theo Minh Khuê/thoibaonganhang.vn

Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm phản ánh tính ổn định của nền kinh tế. Nguồn: internet
Tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm phản ánh tính ổn định của nền kinh tế. Nguồn: internet

Thay đổi cái nhìn về tín dụng

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 vừa ban hành mới đây, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ (CSTT), kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó nhấn mạnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro... Tính đến cuối tháng 4/2018, tăng trưởng tín dụng đạt trên 5% - tương đương với mức cùng kỳ năm 2017.

Dựa trên các cân đối vĩ mô cũng như nhiệm vụ Quốc hội giao cho NHNN trong việc kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, ngay từ đầu năm nhà điều hành đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 khoảng 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%.

Theo quan sát của giới chuyên gia, nếu như trước đây, chỉ tiêu tín dụng đặt ra thường là năm sau cao hơn năm trước, thì hai năm trở lại đây NHNN tập trung vào mục tiêu cao nhất là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Còn với các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng chỉ được xem là các chỉ tiêu trung gian, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ chứ không còn là chỉ tiêu pháp lệnh.

Sự thay đổi trong tư duy chỉ đạo của cơ quan điều hành càng cho thấy nắm “chất” chứ không đua theo “lượng” mới là lựa chọn đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vì rủi ro tín dụng là một trong những nguyên nhân tác động tới lạm phát, đặc biệt khi tín dụng không tạo ra được giá trị hàng hoá có ích tương xứng với khối tín dụng được cấp.

Ghi nhận trong hai năm 2017 và 2018, tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm. Điều này phản ánh được tính ổn định của nền kinh tế tốt hơn so với thời gian trước đây. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà cho biết: Thời gian trước, thường thấy các tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng thấp do hoạt động của nền kinh tế chậm lại. Nhưng tín dụng những tháng đầu năm của 2017 và 2018 tăng trên 5% - mức tăng khá cao so với thời gian trước đây thường chỉ rơi vào khoảng 3 - 3,5%. Không những tăng đều từ đầu năm, cơ cấu tín dụng qua theo dõi cũng tương đối hợp lý, hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cũng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. NHNN liên tục đưa ra những cảnh báo TCTD phải luôn quan tâm tới tốc độ tăng trưởng, đặc biệt đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

TS. Phan Minh Ngọc chia sẻ: mặc dù NHNN đã xác định tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 17% trong năm nay, nhưng chúng ta có thể nhấn mạnh tới chất lượng tăng trưởng. Đây cũng là thông điệp của Chính phủ: tăng trưởng hiệu quả nền kinh tế thay vì số lượng sẽ là chất lượng. Đó chính là sự bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của tiền tệ.

Điều tiết thận trọng, phù hợp

Các chuyên gia đều đồng tình rằng tín dụng đóng góp khá quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng ngoài tín dụng còn có những yếu tố khác. Tín dụng theo quan sát có thể có độ trễ nhất định với tăng trưởng kinh tế. Ông Phạm Thanh Hà cho biết, theo đánh giá của NHNN mức tăng của tín dụng hiện tại vẫn đang phù hợp với các cân đối vĩ mô và tổng phương tiện thanh toán, phù hợp với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn, thanh khoản, mặt bằng lãi suất ổn định. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi tăng trưởng tín dụng. Ở thời điểm hiện tại, chưa có yếu tố nào cần thiết để có sự điều chỉnh về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay...

Rủi ro về tín dụng, theo chuyên gia cần được hiểu theo nghĩa xác suất, là khả năng, do đó có thể xảy ra hoặc không xảy ra tổn thất. Đồng nghĩa với việc một khoản vay dù chưa quá hạn nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tổn thất. Một NH có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhưng nguy cơ rủi ro tín dụng sẽ vẫn cao nếu danh mục đầu tư tín dụng tập trung vào một nhóm khách hàng, ngành hàng, hay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bởi thế, việc hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà điều hành. Trong quá trình phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD, NHNN luôn song hành phối hợp với việc kiểm soát tốc độ, chất lượng tăng trưởng, đảm bảo tín dụng được đến đúng địa chỉ cần, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tiếp cận vốn tín dụng NH gắn với triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách.

Theo TS. Bùi Quang Tín, các NH cần quan tâm phân tích tín dụng một cách đầy đủ và toàn diện để đánh giá khách hàng và tính hiệu quả của dự án trước khi cho vay. Việc phân tích, thẩm định tín dụng được thực hiện trong và sau khi cho vay là yêu cầu bắt buộc với mỗi khoản vay nhằm đảm bảo tính chính xác, tính kinh tế của dòng vốn tín dụng đến được đúng đối tượng sử dụng vốn hiệu quả.

Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính cũng nhận thấy không nên tạo ra sức ép quá lớn với các NHTM. Nhất là trong bối cảnh khi vốn chủ sở hữu khó tăng được tương xứng. Quy mô nợ tín dụng của Việt Nam/GDP hiện khoảng 130%, IMF cũng đưa ra khuyến nghị tỷ lệ này nên ở mức 80% thì hợp lý hơn.

Nhìn nhận trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế tương đối khả quan, cầu vốn của nền kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng và phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng NH, chuyên gia nhận thấy thách thức đặt ra cho các TCTD trong việc quản trị, cân đối vốn và tác động đến sự vận hành hiệu quả, bền vững của thị trường tiền tệ là rất lớn. Điều này buộc phải có giải pháp dài hạn, hỗ trợ thị trường trái phiếu, chứng khoán, giảm dần sự lệ thuộc của DN vào tín dụng NH, đặc biệt là tín dụng trung, dài hạn.