Triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank vừa công bố Báo cáo Thị trường chứng khoán quý III/2013. Một kịch bản khả quan với thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm trên cơ sở nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định được dự báo trong báo cáo này.

Triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm
Một kịch bản khả quan với thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm trên cơ sở nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định. Nguồn: internet

Khả quan với những tín hiệu tốt của nền kinh tế

Trong quý III, nền kinh tế trong nước ghi nhận những bước tiến hơn rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng GDP ở mức khá, đạt 5,54% (qoq), tương đương 5,14% yoy trong quý III; khu vực sản xuất bắt đầu có xu hướng mở rộng sau 4 tháng thu hẹp trước đó. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 có thể đạt mức 5,3% trong khi lạm phát được kiềm chế tốt ở mức dưới 7%.

Kèm theo đó, mặt bằng lãi suất được Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức thấp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kích thích hoạt động đầu tư phát triển. Yếu tố nợ xấu hiện tại cũng được xử lý tương đối tốt và đúng lộ trình đề ra. VAMC có những động thái tích cực trong hoạt động mua nợ từ các ngân hàng thương mại và triển vọng bán nợ lạc quan cho phía các nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Ngoài ra, thị trường vàng được kiểm soát ổn định, không còn tăng quá nóng như giai đoạn trước khiến cho dòng tiền của nhà đầu tư vào vàng đã giảm đi đáng kể.

Thị trường đã phục hồi khá chậm từ tháng 8/2012 đến tháng 5/2013, theo đó chỉ số P/E của VN-Index cũng tăng dần từ mức 9,98 lên 14,64 vào cuối tháng 5. Sau đó, thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh tích lũy vào cuối quý II, đầu qúy III/2013, cùng với việc đi xuống của chỉ số, P/E của VN-Index cũng giảm dần.

Điều này chủ yếu là do báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp phần nhiều thấp hơn kỳ vọng, nền kinh tế thế giới nhiều rủi ro và bất ổn trong khi Việt Nam chỉ ghi nhận sự phục hồi chậm với tăng trưởng tín dụng thấp và cầu tiêu dùng yếu. Bước sang tháng 9, tình hình trong nước cũng như quốc tế khởi sắc hơn với các chỉ số kinh tế công bố tích cực, khối ngoại dừng việc bán ròng và bắt đầu mua ròng nhẹ. Chính yếu tố này là động lực chính để P/E hồi phục nhẹ từ 12,29 trong tháng 8 lên 12,76, tuy nhiên vẫn đang ở mức thấp hơn tương đối nhiều nếu so sánh với các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, mức định giá cơ bản thấp như kể trên liệu có hấp dẫn hay chưa còn phụ thuộc vào một yếu tố rất quan trọng đó là triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Rõ ràng là nếu trong trường hợp nền kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục có được những cải thiện rõ rệt thì triển vọng của các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ trở nên khả quan và từ đó tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Như vậy, kinh tế vĩ mô có thể xem như yếu tố rất quan trọng trong định giá hợp lý giá trị của thị trường.

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, các doanh nghiệp nhiều khả năng vẫn gặp những khó khăn nhất định nhưng dưới sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách của Chính phủ cũng như cơ hội hội nhập mở ra cho Việt Nam thời gian tới, kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ hồi phục và mở rộng sản xuất một cách vững chắc hơn trong quý IV. Cụ thể, Chính phủ vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp, ưu đãi thuế quan cho một số ngành nghề nhất định. Thêm vào đó, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác Việt Nam - EU (FDA) và Hiệp định Asean+6, nếu được ký kết, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam với 3 khu vực lớn nhất trên thế giới.

Theo đó, một số ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ những hiệp định này như giày da, may mặc, nông sản... đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu ra các thị trường trọng điểm như EU và Mỹ. Ngoài ra, các chính sách phá băng bất động sản như gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng cũng phần nào góp phần kích thích cầu nhà ở trong dân cư khiến cho thị trường nhà đất, văn phòng nóng lên đôi chút.

Với những phân tích trên đây, nhiều khả năng các nhóm ngành sẽ tiếp tục phân hóa trong quý IV. Những nhóm ngành có tính phòng thủ cao và chống chịu tốt với khó khăn như ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hoặc các nhóm ngành nhận được sự ưu tiên từ phía chính sách như bất động sản xuất khẩu, dầu khí và xây dựng cơ bản nhiều khả năng sẽ có ưu thế hơn các nhóm ngành còn lại.

Nếu tín dụng tăng trưởng tốt hơn trong những tháng còn lại của năm và lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ở mức thấp, khi đó hoạt động sản xuất sẽ ổn định dần và cải thiện hơn các quý trước đó, nhất là vào mùa tiêu dùng theo chu kỳ hàng năm.

Theo những phân tích trên, kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ tốt bởi các yếu tố từ phía nền kinh tế vĩ mô. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư nhiều khả năng được củng cố, thị trường nhiều cơ hội đi lên nhưng cũng không kỳ vọng vào sự đột phá mạnh như trong giai đoạn nửa đầu năm 2013 do các yếu tố trên mới ở mức tích cực vừa phải.

Với kỳ vọng như vậy, Báo cáo khuyến nghị việc mua tích lũy dần các cổ phiếu có cơ bản tốt và triển vọng khả quan cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn nên được xem xét vào lúc này. Bên cạnh các cổ phiếu blue-chips đầu ngành, các mã cổ phiếu vừa và nhỏ đáp ứng tiêu chí trên và diễn biến giá chưa phản ánh nhiều triển vọng lợi nhuận cũng có thể cân nhắc lựa chọn. Trong khi đó, với dự báo biến động của thị trường sẽ không lớn như giai đoạn nửa đầu năm, việc tuân thủ kỳ luật càng cần được đề cao để hạn chế rủi ro.

Dòng vốn ngoại khả năng sẽ quay trở lại thị trường

Trong 9 tháng đầu năm 2013, diễn biến cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu có nhiều diễn biến tích cực. Các chỉ số kinh tế đang cho thấy khu vực này dần thoát đáy và hồi phục với tốc độ chậm. Tuy triển vọng là khá khả quan nhưng nhiều quốc gia thành viên vẫn có nhiều nguy cơ quay trở lại kỳ khủng hoảng nợ công như Pháp và Tây Ban Nha.

Thêm vào đó, nền kinh tế Mỹ mặc dù đã có những tín hiệu nhất định, Chính phủ Mỹ cũng đã hoạt động trở lại sau khi thỏa thuận nâng trần nợ công đã đạt được nhưng rủi ro về vấn đề này vẫn còn hiện hữu khi trần nợ công cũng chỉ được gia hạn đến ngày 7/2/2014. Ngoài ra, cuộc tấn công Syria mới được tạm hoãn và có thể được phát động trở lại nếu Mỹ không hài lòng với các kết quả giám định vũ khí hóa học từ bên thứ 3. Từ phía Trung Quốc, tình hình tăng trưởng tín dụng đã bớt nóng và được làm an tâm nhà đầu tư bằng các chỉ số kinh tế tích cực trong quý III vừa được công bố. Như vậy, rủi ro từ phía thị trường thế giới đã giảm bớt so với cục diện 6 tháng đầu năm 2013.

Tuy nhiên, những rủi ro này chưa hoàn toàn được xóa bỏ và có thể là nguy cơ tiềm ẩn nếu các các chính sách chưa đủ sâu sát và đủ mạnh để dập tắt rủi ro. Từ những triển vọng nền kinh tế thế giới chưa thực sự rõ nét và rủi ro tiềm ẩn vẫn còn (dù không nhiều), nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ cải thiện so với quý trước nhưng với tốc độ chậm và khối lượng ở mức trung bình.

Với triển vọng kinh tế thế giới như vậy, dòng vốn ngoại nhiều khả năng sẽ quay trở lại thị trường trong thời gian tới khi những lo ngại về tình hình nợ công, tăng trưởng tín dụng…của các quốc gia Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung Châu Âu đi qua nhưng sẽ khó có thể ghi nhận sự đột biến như trong giai đoạn nửa đầu năm 2013.