Từ mua nợ đến thí điểm bán nợ

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Tín dụng tăng nhanh trong quý I, nợ xấu cũng giảm mạnh. Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) từ việc chuyên đi mua nợ xấu đã tiến hành thí điểm bán nợ.

Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đang chững lại. Nguồn: internet
Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đang chững lại. Nguồn: internet
Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đang chững lại, bởi các ngân hàng đã mạnh dạn bán nợ cho VAMC và VAMC cũng mạnh dạn mua nợ từ các ngân hàng. Thống kê từ Phó chủ tịch VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: VAMC đã mua trên 45.000 tỷ đồng nợ xấu và đang tiến hành phân loại, sắp xếp và từng bước xử lý.

Các bước đi của VAMC cũng được lập trình rõ. VAMC đã phân loại được 983 khách hàng với tổng số nợ gốc hơn 37.600 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng được cơ cấu nợ là 145 khách hàng với 14.000 tỷ đồng, xem xét khởi kiện thu hồi nợ và phát mại tài sản 347 khách hàng với 6.800 tỷ đồng.

Thời gian qua, sau khi mua nợ và có một nguồn vốn khá ổn định, VAMC cũng tiến hành điều chỉnh lãi suất các khoản nợ xấu cho khách hàng. Khi khách hàng vay hợp tác tốt với VAMC, tổ chức tín dụng được ủy quyền; Khách hàng vay có phương án trả nợ khả thi hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi VAMC giảm lãi suất các khoản nợ xấu để khách hàng vay giảm bớt khó khăn, tạo đà phục hồi sản xuất kinh doanh. Hiện VAMC đã điều chỉnh lãi suất cho 26 khách hàng với dư nợ 2.200 tỷ đồng, trực tiếp cơ cấu lại nợ 120 khách với số tiền 8.600 tỷ đồng và phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ 450 tỷ đồng từ các doanh nghiệp.

Nhờ những giảm xóc đặc biệt từ VAMC, nợ xấu chính thức trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng được Phó chánh Thanh tra Giám sát (Ngân hàng Nhà nước) phát đi con số là, 3,86% tổng dư nợ tương đương 122.000 tỷ đồng.

Dự kiến, trong quý II/2014, VAMC mua thêm 15.000 tỷ đồng nợ xấu . Đáng mừng hơn là từ việc mua nợ, VAMC đang tiến tới bán nợ xấu thí điểm lần thứ nhất với 4 loại khách hàng, tổng số nợ 1.400 tỷ đồng”.

VAMC sẽ công khai danh mục các khoản nợ và tài sản đảm bảo để chào bán ra thị trường. Có khả năng, khách hàng đầu tiên của VAMC sẽ là các nhà đầu tư trong nước, khi cơ chế bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài chưa hoàn thiện và thị trường mua bán nợ chưa hình thành.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm VAMC đang theo dõi danh mục các tài sản liên quan tới bất động sản, khu công nghiệp, bệnh viện, nhà chung cư, cao ốc văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương…

Chuyên gia ngành tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhấn mạnh mua được nợ là nhiệm vụ, bán được nợ để nợ không mất giá lại càng khó hơn. Bản thân người bán thì muốn bán giá cao, hời, vì khi VAMC mua khoản nợ tới 70% giá trị sổ sách. Còn người mua muốn mua được hàng giá rẻ. Để hai bên gặp nhau trong bối cảnh các hành lang pháp lý, thị trường bán nợ chưa có là điều không đơn giản.
Chẳng hạn như các khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản được các nhà đầu tư nước ngoài săn nhưng bị vướng nhiều về cơ chế xử lý. Việc cho phép người nước ngoài, tổ chức nước ngoài sở hữu - chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam còn nhiều tranh cãi.

Dẫu biết, đoạn trường mua bán nợ xấu còn lắm chông gai, thế nhưng hướng đi "chậm mà chắc” của VAMC đang dần phá băng nợ xấu, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp. Được biết VAMC đã có nhiều cuộc làm việc với đoàn đại diện các tổ chức tài chính quốc tế đến trao đổi về khả năng hợp tác trong việc mua, bán nợ.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu cơ chế xử lý quá phức tạp sẽ làm chậm quá trình xử lý nợ, mất cơ hội và tăng chi phí xử lý nợ xấu.