Vì mục tiêu “xanh hoá” tín dụng

Theo thoibaonganhang.vn

Với hệ thống tài chính - ngân hàng, hoạt động tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường.

Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Nó trực tiếp tác động lên mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội mỗi quốc gia. Để làm được điều này, không gì khác ngoài việc phát triển kinh tế xanh.

Với riêng hệ thống tài chính - ngân hàng, hoạt động tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã yêu cầu hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khoẻ con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Triển khai nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, từ năm 2015 Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Gần đây nhất, Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 10/1/2017 của Thống đốc NHNN tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Trong đó, có nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ được giao của NHNN tại Kế hoạch hành động thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Theo đó, những năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng đã có những điều chỉnh và hoàn thiện để dòng tín dụng phù hợp hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh. Năm 2015, VietinBank, BIDV và MB đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về phát triển du lịch xanh cho ba dự án tại Kiên Giang, Cần Thơ với tổng số vốn cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch sinh thái, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

Tháng 7/2016, ngân hàng Thế giới (WB) và NHNN đã ký kết hiệp định pháp lý cho ba dự án với tổng giá trị 371 triệu USD với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, cấp và xử lý nước thải. Các hiệp định cấp vốn này dành cho khoản vay Chính sách phát triển về Quản lý kinh tế và năng lực cạnh tranh lần 3, Khoản vay Chính sách Phát triển về Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh lần 1, và vốn bổ sung cho Dự án Cấp nước và xử lý nước thải đô thị.

Đến cuối năm 2016, Agribank có gói tín dụng ưu đãi nằm trong chương trình hành động phát triển mang tên “Tín dụng xanh” nhằm hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch. Agribank cũng đã dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch.

Cùng với Agribank, ngân hàng Chính sách xã hội cũng là nhà băng chú trọng tới tín dụng xanh với chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp cải thiện môi sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân ở những khu vực này. WB, IFC hay ADB cũng đã có những bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn phải tuân thủ. Hiện ACB, Sacombank, Techcombank, VietinBank, BIDV... là những ngân hàng đã tham gia thực hiện bộ tiêu chuẩn này. Một số NH khác như ABBank, Techcombank, Sacombank cũng bước đầu có những chính sách tín dụng để xanh hoá nền kinh tế.

Tuy nhiên, triển khai tín dụng xanh ở Việt Nam cũng gặp phải nhiều vướng mắc. Xuất phát từ nhận thức, nhìn nhận sao cho đúng về tín dụng xanh đôi khi còn chưa rõ ràng. Chưa nói tới việc nhiều dự án có thể đủ điều kiện cấp tín dụng nhưng chi phí bỏ ra ban đầu quá lớn, ít nhiều gây e ngại cho các ngân hàng. Hoạt động này tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, các giải pháp về tài chính, ngân hàng xanh, sản phẩm tín dụng xanh còn hạn chế, chưa được phổ biến rộng rãi...

Các chuyên gia cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, trước hết hành lang pháp lý phải đầy đủ. Hiện nay, quy định về rủi ro môi trường với những khoản vay tín dụng còn chưa đầy đủ. Điều này gây khó khăn trong việc xem xét, thẩm định các dự án có gây ra rủi ro đối với môi trường hay không.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý rủi ro về môi trường - xã hội của các ngân hàng còn chưa đồng bộ, thiếu về nhân lực, năng lực đánh giá rủi ro của cán bộ tín dụng chưa thực sự hiệu quả.

Theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế: Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mục tiêu này, thời gian tới, NHNN cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để cho ra đời bộ tiêu chuẩn đầy đủ về môi trường trong từng lĩnh vực. Có như vậy, ngân hàng khi xét duyệt dự án mới có cơ sở để đánh giá tác động rủi ro tới môi trường - xã hội.

Muốn triển khai và đạt hiệu quả tốt nhất những dự án tín dụng xanh thì thông tin phải đầy đủ và chính xác. Thiếu thông tin về tín dụng xanh khiến cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh của ngân hàng còn chưa phong phú. Dẫn tới đòi hỏi buộc ngân hàng phải sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp, có sự khác biệt mới thu hút được đối tượng doanh nghiệp cùng tham gia. Với những doanh nghiệp vay vốn các dự án xanh, cơ quan quản lý nên xem xét có cơ chế về ưu đãi thuế, lãi suất