“Vòng kim cô” quản chặt công ty chứng khoán ngoại

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài khiến giá mua cổ phần của các công ty chứng khoán (CTCK) xuống thấp nhất trong khu vực. Dự báo, nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh tay mua cổ phiếu, dẫn đến số CTCK có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện CTCK ngoại tăng mạnh…

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có gần 20 CTCK có tỷ lệ sở hữu của đối tác ngoại lên đến 49%. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có gần 20 CTCK có tỷ lệ sở hữu của đối tác ngoại lên đến 49%. Nguồn: internet
Trước đây, điển hình nhất là vụ CTCK Nikko Cordial (Nhật Bản) mua 14,9% cổ phần CTCK (PSI), tổng trị giá thanh toán 133,7 tỷ đồng (xấp xỉ 6,9 triệu USD hoặc tương đương 564 triệu Yên Nhật) với giá 15.000 đồng một cổ phiếu.

Còn tại đại hội cổ đông của CTCK MayBank Kim Eng mới đây, cổ đông đã đồng thuận phương án chuyển đổi công ty từ công ty cổ phần thành công ty TNHH MTV có 100% vốn đầu tư nước ngoài. 4 cổ đông hiện hữu đã đồng ý chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ hiện tại cho Maybank Kim Eng Holdings Limited.

Nếu các giao dịch trên được hoàn tất, công ty mẹ Maybank Kim Eng Holdings Limited sẽ trở thành cổ đông duy nhất nắm giữ 100% vốn của Maybank Kim Eng và công ty này sẽ thành CTCK đầu tiên có 100% vốn ngoại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có gần 20 CTCK có tỷ lệ sở hữu của đối tác ngoại lên đến 49% (chủ yếu là của các nước châu Á như: Nhật Bản, Malaysia, Singapore). Bên cạnh đó, một số CTCK có sở hữu 20%, 15% vốn nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Minh Vũ – Giám đốc Công ty Tư vấn Tài chính FiCo, các CTCK nước ngoài thường có lợi thế về thương hiệu, tiềm lực tài chính, hệ thống mạng lưới trên thế giới và nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp. Khi làm ăn tại Việt Nam, họ cũng chỉ tập trung vào vài nghiệp vụ chính, vốn là ưu thế của mình.

Đơn cử như ngay sau khi "bắt tay" với CTCK Biển Việt, tập đoàn tài chính Hàn Quốc Woori đã giúp Woori CBV triển khai nghiệp vụ ngân hàng đầu tư tại Việt Nam. Tập đoàn Kim Eng thì hỗ trợ KEVS đẩy mạnh mảng môi giới. Ngoài ra, các CTCK có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài cũng được tiếp cận với phương pháp quản trị mới; nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động cũng như nâng tầm thương hiệu…

Tuy nhiên, khi thị trường đang tồn tại quá nhiều CTCK, hoạt động cạnh tranh khốc liệt, tranh giành nhau “miếng bánh” thị phần quá nhỏ thì không ít CTCK có vốn đầu tư nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh, bất chấp mọi thủ đoạn, không minh bạch nhằm thu lợi bất chính. Thậm chí, một số CTCK nước ngoài thành lập văn phòng đại diện chỉ nhằm mục đích mua bán cổ phiếu, vi phạm quy định về quản lý ngoại hối; giao dịch nội bộ, thao túng thị trường…

Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 91/2013/TT-BTC hướng dẫn đăng ký thành lập, tổ chức và hoạt động văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, kể từ ngày 1/11/2013, việc thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện của CTCK nước ngoài tại Việt Nam sẽ khó khăn và chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể: Các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài đăng ký hoạt động văn phòng đại diện tại Việt Nam sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện khi vi phạm các quy định như: Công ty mẹ, văn phòng đại diện vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối theo pháp luật Việt Nam; giao dịch nội bộ, thao túng thị trường và các giao dịch bị cấm khác theo quy định của pháp luật chứng khoán Việt nam; không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Một số trường hợp khác cũng bị tước quyền hoạt động như: Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện có những thông tin sai lệch, không chính xác hoặc bỏ sót những nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ; hoạt động sai mục đích, không đúng chức năng hoặc không đúng nội dung quy định trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện hoặc các quy định pháp luật khác về hoạt động của văn phòng đại diện; văn phòng đại diện không tiến hành hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động...

Đối với các CTCK, bao gồm cả CTCK có vốn đầu tư nước ngoài, UBCKNN đã tiến hành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 226/2010/TT-BTC do Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. UBCKNN sẽ ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng dao động từ 120% đến 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục hoặc tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận dao động từ 120% đến 150%.

Tổ chức kinh doanh sẽ bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới 120% (bao gồm cả trường hợp tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính hoặc sau khi đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận); hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời gian 12 tháng (và 6 tháng tiếp theo đó nếu kéo dài thời hạn xem xét)…