Xử phạt nặng công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nếu vi phạm quy định phòng, chống rửa tiền

PV.

Theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền có thể sẽ bị xử phạt lên đến 250 triệu đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo khoản 4, Điều 45, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, nếu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền sẽ bị xử phạt nặng.

Cụ thể, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, tài khoản sử dụng tên giả theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Đặc biệt, theo quy định mới, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng nếu tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền.

Hiện nay, theo Điều 7, Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18/6/2012, các hành vi bị cấm gồm: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền; Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền; Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền; Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.