PGS..TS., Nguyễn Anh Phong – Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh):

“Liều thuốc” hiệu quả giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất và kích thích tiêu dùng

Tuấn Phùng. (T/h)

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, PGS..TS., Nguyễn Anh Phong – Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế giá trị gia tăng là “liều thuốc” hiệu quả góp phần trực tiếp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất và kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.

Phóng viên: Trong gần 3 năm qua, để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế sau đại dịch, Bộ Tài chính đã đề xuất các cấp có thẩm quyền triển khai nhiều chính sách tài khóa, đặc biệt là các chính sách thuế. Theo ông, lựa chọn này có phù hợp và cơ sở nào để Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung vào các chính sách này?

PGS..TS., Nguyễn Anh Phong: Trong xuyên suốt gần 3 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực nhằm giải quyết hậu quả trong dịch và phục hồi kinh tế sau dịch khá hiệu quả, trong đó phải kể đến các gói miễn, giảm, giãn thuế thuộc chính sách tài khóa. Chúng ta hay nghe nói nhiều về ảnh hưởng của dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gián đoạn sản xuất, suy giảm tiêu dùng và từ đó ảnh hưởng đến suy thoái kinh tế. Để làm giảm các tổn thất mà dịch gây ra, phục hồi lại sản xuất và tiêu dùng, Chính phủ các nước thường áp dụng cả chính sách tài khóa, trong đó gồm cả chính sách tài khóa trực tiếp và gián tiếp và chính sách tiền tệ.

PGS..TS., Nguyễn Anh Phong.
PGS..TS., Nguyễn Anh Phong.

Về phía chính sách tài khóa, các quốc gia gia tăng chi tiêu ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, chuyển giao cho các công ty và hộ gia đình, trợ cấp tiền lương và thất nghiệp và cắt giảm hoặc hoãn thuế. Chính phủ cũng có thể sử dụng các biện pháp phi ngân sách (không có tác động ngay lập tức đến cân đối tài chính) như bảo lãnh tài trợ hay bảo lãnh tín dụng.

Việt Nam trong các năm liên tục hầu như sử dụng phủ đều các gói chính sách tài khóa trực tiếp bao gồm chi chuyển giao cho các công ty và hộ gia đình, trợ cấp tiền lương và thất nghiệp và cắt giảm hoặc hoãn thuế. Cho đến thời điểm này, có thể phần nào chứng minh tính hiệu quả của gói hỗ trợ nêu trên thông qua một vài chỉ số ấn tượng của nền kinh tế 8 tháng đầu năm như: tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đạt mức 6,42%; Tính chung 8 tháng năm 2022, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước...

Bên cạnh đó, trong 8 tháng qua, cả nước có 149,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua...

Tôi cho rằng, các kết quả phục hồi kinh tế ấn tượng đã nói lên những tác động tích cực từ chính sách tài khóa, trong đó có chính sách thuế mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã liên tục, kịp thời triển khai trong thời gian qua.

Phóng viên: Trong các chính sách thuế được ban hành và triển khai thời gian qua, trên góc độ chuyên gia, ông đánh giá cao hiệu quả của chính sách thuế nào nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, thưa ông? 

PGS..TS., Nguyễn Anh Phong: Trước hết tôi cho rằng, tất cả các gói hỗ trợ chính sách từ Chính phủ phần lớn đều có tác động tích cực đến kinh tế, góp phần giải quyết khó khăn, đảm bảo phúc lợi người yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giúp phục hồi sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng từ người dân, từ đó đóng góp vào phục hồi kinh tế.

Đối với các chính sách thuế giúp phục hồi sản xuất và tiêu dùng sau đại dịch, tôi cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế giá trị gia tăng cho một số nhóm hàng hóa và dịch vụ là hiệu quả nhất. Như tôi vừa đề cập, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm suy giảm sản xuất và tiêu dùng, từ đó kéo tổng cầu và tổng cung cùng giảm và hệ quả là làm suy thoái kinh tế.

Các gói chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế giá trị gia tăng là “liều thuốc” hiệu quả góp phần trực tiếp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất và kích thích tiêu dùng. Kết quả này đã được minh định qua các kết quả ấn tượng của nền kinh tế mà tôi vừa nêu ở trên.

Phóng viên: Trong thời gian tới, ông có khuyến nghị gì đối với các chính sách thuế để tiếp tục thực hiện tốt vai trò tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng?

PGS..TS., Nguyễn Anh Phong: Với tình hình giao thương gần như bình thường lại so với trước kia, do vậy bước sang năm 2023, Chính phủ cần đánh giá lại các gói nào cần duy trì để tiếp tục phục hồi kinh tế, gói nào cần cắt bỏ vì không còn phù hợp với bối cảnh mới.

Nếu có ý kiến riêng thì tôi vẫn ủng hộ Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng như thực hiện trong năm 2022. Việc phong tỏa, cách ly kéo dài phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong năm 2021 đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân. Năm 2022 chính là năm bản lề để các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm, các hoạt động dần hồi phục như cũ chứ chưa hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch.

Do vậy, duy trì chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng ở một số hàng hóa, dịch vụ là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục ổn định và phục hồi tổng cung, tổng cầu, góp phần tăng trưởng kinh tế tốt hơn, gia tăng phúc lợi cho các tầng lớp dân cư.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!