19 tổ chức tín dụng Việt Nam lọt Top 500 ngân hàng lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương

Theo Thành Đức/baokiemtoannhanuoc.vn

Đó là một trong con số ấn tượng của hệ thống ngân hàng sau 10 năm thực hiện tái cơ cấu.

Kết quả trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết tại Tọa đàm trực tuyến: “Chia sẻ kinh nghiệm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng” do NHNN phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức mới đây.

Tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam, hiệu quả hoạt động của nhiều ngân hàng giảm sút, nợ xấu tăng cao, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, sau 10 năm triển khai chương trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, hệ thống TCTD ở Việt Nam đã hoạt động an toàn, lành mạnh hơn - Ảnh:sbv.gov.vn
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, sau 10 năm triển khai chương trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, hệ thống TCTD ở Việt Nam đã hoạt động an toàn, lành mạnh hơn. Ảnh:sbv.gov.vn

Trong bối cảnh đó, NHNN đã triển khai chương trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cho giai đoạn 2011-2020. Theo đó, công tác tái cơ cấu tập trung vào việc giữ vững an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ.

Sau 10 năm triển khai chương trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, hệ thống TCTD ở Việt Nam đã hoạt động an toàn, lành mạnh hơn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%. Quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được nâng cao. Khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu cơ bản được hoàn thiện.

Đã có 19 TCTD Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á - Thái Bình Dương xét về khả năng sinh lời lâu dài từ kinh doanh cốt lõi năm 2019. Phần lớn TCTD tuân thủ yêu cầu về vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II...

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, mức đệm vốn của hệ thống TCTD Việt Nam còn mỏng, một số TCTD hoạt động yếu kém tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động và an toàn của các ngân hàng.

Do đó, để tăng cường năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của các ngân hàng Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã khuyến nghị Chính phủ, NHNN cần tiếp tục triển khai việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2021-2025.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia của IFC đã chia sẻ kinh nghiệm cơ cấu lại hệ thống ngân hàng tại một số quốc gia và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng giúp các thành viên của Tiểu Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD giai đoạn 2021-2025 có thêm định hướng về quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu ở Việt Nam trong giai đoạn này./.