Tỉnh Khánh Hòa:

8 tháng đầu năm doanh số cho vay đạt 88.652 tỷ đồng

Theo H.Dung/Báo Khánh Hòa

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 8, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa huy động vốn được 90.480 tỷ đồng, tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động bằng đồng Việt Nam được 88.830 tỷ đồng, tăng 6,3%; huy động bằng ngoại tệ 1.650 tỷ đồng, giảm 14,42%.

Gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng. Ảnh: Hoàng Dung
Gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng. Ảnh: Hoàng Dung

Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 8 đạt 99.680 tỷ đồng

Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 8 đạt 99.680 tỷ đồng, tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ bằng đồng Việt Nam 94.130 tỷ đồng, tăng 6,88%; dư nợ bằng ngoại tệ đạt 5.550 tỷ đồng, tăng 35,44%.

Doanh số cho vay 8 tháng năm 2021 đạt 88.652 tỷ đồng. Vốn tín dụng được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giảm chi phí hoạt động nhằm chủ động giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ.

Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; có giải pháp chủ động, linh hoạt để đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, Thông tư số 14 sửa đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo hướng bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8 (thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 theo quy định tại Thông tư số 01).

Thông tư số 14 cũng sửa đổi phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và (hoặc) lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (thay vì từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12 theo quy định tại Thông tư số 01).

Về thời gian thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí cũng được kéo dài đến ngày 30/6/2022, tăng thêm 6 tháng so với quy định tại Thông tư số 01. Thông tư số 14 có hiệu lực từ ngày 7/9.