Các ngân hàng "chạy nước rút" đại hội cổ đông

Theo Tùng Lâm/ttvn.toquoc.vn

Riêng ngày 30/6 có đến 4 ngân hàng cùng tổ chức đại hội, trong đó Eximbank vừa đại hội thường niên vừa đại hội bất thường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chỉ còn 1 tuần nữa là hết tháng 6, những ngân hàng cuối cùng chưa đại hội cổ đông đang gấp rút thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Cụ thể, theo dõi từ thị trường của chúng tôi cho thấy, tới ngày 25/6 mới có hơn một nửa số các ngân hàng trong hệ thống thực hiện đại hội cổ đông, trong đó Sacombank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này thực hiện đại hội trực tuyến.

Riêng tuần này và 2 ngày đầu tuần sau, cũng là 2 ngày cuối tháng 6 có tới chục ngân hàng tổ chức đại hội.

Cụ thể ngày 24/6 MB đã tổ chức đại hội thành công với các chỉ tiêu kinh doanh của 2020 được thông qua bao gồm: Kế hoạch lợi nhuận giảm 10% do tác động của Covid-19; Tổng tài sản tăng khoảng 8%; tín dụng tăng khoảng 12%; Huy động vốn tăng 7%; Tỷ lệ nợ xấu dự kiến tối đa là 1,9%; vốn điều lệ tăng 18% và chi trả cổ tức tỷ lệ 11 - 15%. Năm nay ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức của năm 2019 với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu và chia hơn 25,6 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông.

Cùng ngày 24/6, PGBank cũng đã đại hội cổ đông. Theo đó cổ đông nhà băng này đã thông qua kế hoạch hết sức mạnh dạn với lợi nhuận tăng gấp hơn 2 lần thực hiện năm 2019 dù tổng thu nhập dự kiến giảm 12,8%. Tổng tài sản, dư nợ và huy động vốn dự kiến tăng từ 6,6% cho đến 8,3% cùng việc tăng vốn thêm 10% dù rằng ngân hàng này vẫn đang trong giai đoạn chờ thực hiện sáp nhập vào HDBank theo chấp thuận về chủ trương của NHNN từ năm trước. Được biết ngoài HDBank cũng còn có đối tác khác đang muốn "nhòm ngó" PGBank.

Ngày 25/6 LienVietPostBank tổ chức đại hội thường niên tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong năm nay ngân hàng đặt mục tiêu giảm tới gần 20% lợi nhuận; huy động vốn gần như không tăng trưởng trong khi tín dụng kỳ vọng tăng trưởng 10%. Ngân hàng cũng tính tăng 10% vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngày 26/6 có 2 ngân hàng sẽ đại hội cổ đông là Vietcombank và NCB, cùng ở Hà Nội. Vietcombank đã công bố tài liệu tới cổ đông nhưng chưa nêu rõ các con số của kế hoạch kinh doanh mà chỉ có kế hoạch chung chung cùng việc chào bán riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như chia cổ tức 2019 tỷ lệ 18% để tăng vốn. Trước đó hồi cuối năm 2019, sau khi đạt kỷ lục về lợi nhuận với hơn 23 nghìn tỷ đồng, Vietcombank từng tham vọng sẽ đạt hơn 26 nghìn tỷ trong năm nay. Kế hoạch cụ thể có lẽ sẽ được bàn trong đại hộ ngày mai.

Còn NCB cũng đã có tài liệu đại hội nhưng không công bố rộng rãi ra bên ngoài mà chỉ nội bộ cổ đông nên chưa rõ kế hoạch kinh doanh năm nay của nhà băng này thế nào. Trước đó hồi trung tuần tháng 1 NCB có đại hội cổ đông bất thường để bàn chuyện tăng vốn (tăng thêm khoảng 70% lên trên 7.000 tỷ trong năm nay).

Tiếp theo là Nam A Bank đại hội cổ đông vào ngày 27/6 tại Đà Lạt. Trong năm nay Nam A dự kiến tăng tổng tài sản thêm 23%; huy động vốn tăng 22%; tín dụng tăng 21% và lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra ngân hàng còn dự tính hoàn tất niêm yết cổ phiếu trên HoSE và bán vốn tới hơn 89% tại công ty xử lý nợ AMC.

Ngày 30/6 có 4 ngân hàng cùng tổ chức đại hội cổ đông là VIB, OCB Saigonbank và Eximbank. Trong đó Eximbank tổ chức 2 đại hội cùng ngày (buổi sáng và buổi chiều) đó là đại hội thường niên và bất thường. 

Trong đó VIB đặt ra kế hoạch kinh doanh khá lạc quan với lợi nhuận tăng 19%, tổng tài sản tăng 22%, huy động vốn tăng 19% và tín dụng tăng 25% (tính cả trái phiếu và kỳ vọng chỉ tiêu cao hơn từ Ngân hàng Nhà nước). Ngoài ra ngân hàng cũng sẽ chia 20% cổ phiếu thưởng cho cổ đông - là một trong số ít các ngân hàng đều đặn hàng năm chia cổ tức và/hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Eximbank tại đại hội lần này cũng thông qua kế hoạch kinh doanh nhưng có sự điều chỉnh giảm mạnh so với kỳ vọng hồi đầu năm. Cụ thể, tại quyết định mới đây, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8%) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020). Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2019 nhưng giảm 40% so với dự định hồi đầu năm 2020.

Saigonbank tại đại hội tới đây chưa đưa ra số liệu cụ thể. Trong kế hoạch 2020 mà ngân hàng hướng tới có các nội dung chung chung như tập trung nguồn lực để tái cơ cấu gắn với nợ xấu theo phương án đã được duyệt trong giai đoạn 2016-2020; nâng cao công tác quản trị rủi ro...

Còn OCB thì cũng khá tham vọng với kế hoạch lợi nhuận 2020 tăng tới 36%; vốn điều lệ tăng 43%; huy động vốn, tăng trưởng tín dụng và tổng tài sản tăng trên 20%. Ngoài ra một nội dung nữa tiếp tục đưa ra tại đại hội lần này để thảo luận đó là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Được biết OCB đã có dự định niêm yết cổ phiếu từ cách đây vài năm và năm nào cũng đưa ra bàn luận nhưng chưa thực hiện được.