Các ngân hàng tối đa hóa lợi ích cho người gửi tiền

Theo Triều Anh/thoibaonganhang.vn

Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động là đáp ứng mục tiêu hoạt động của mình, nhưng đây lại là lợi thế cho người gửi tiền. Do đó, mỗi người dân nên lựa chọn cho mình một kênh gửi tiền phù hợp nhất để hưởng lợi ích ngày càng lớn từ phía ngân hàng mang lại…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại báo cáo về thị trường tài chính tiền tệ tháng 3 vừa phát hành, Công ty Chứng khoán SSI bình luận, trong tháng 3 vừa qua, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng khoảng 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng tại một số ngân hàng, duy trì ở mức 4,3%-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5%-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4%-8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.

Cũng theo SSI, lãi suất neo cao ở mặt bằng đã được tạo lập từ cuối tháng 12/2018 đến nay. Ngoài lý do gia tăng huy động, đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thì việc neo cao còn bởi nhiều ngân hàng chuyển hướng đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt, đảm bảo mức sinh lời cần thiết. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng khác cũng phải duy trì lãi suất tốt để không bị mất thị phần huy động.

Đứng ở khía cạnh của người gửi tiền, thông tin này luôn mang tính tích cực, vì họ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Thế nên, một chuyên gia kinh tế nhận định rằng, ở bối cảnh hiện tại, bên cạnh các kênh đầu tư khác, mỗi người dân đều nên duy trì thói quen gửi tiền để hưởng lợi ích kép.

Nói như vậy, vì bên cạnh các gói lãi suất ưu đãi, theo định hướng của mỗi ngân hàng, ngay từ đầu năm, các NHTM quốc doanh lẫn tư nhân đều đồng loạt triển khai chương trình khuyến mại đi kèm dành cho từng đối tượng gửi tiền.

Thực ra, người gửi tiền không nên kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng cao hơn nữa vì mặt bằng lãi suất như hiện nay đang ở mức phù hợp, nhưng người gửi tiền có quyền kỳ vọng vào các chính sách ưu đãi của mỗi ngân hàng. Nói như một lãnh đạo NHTM thì “nếu ngân hàng có điều kiện thì sẽ cộng thêm lãi suất cho người gửi tiền”.

Cũng theo vị này, hiện các NHTM đã trên lộ trình tuân thủ những quy định khắt khe hơn, như chỉ được sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn. Tiếp đó là đáp ứng chuẩn Basel II về đảm bảo an toàn vốn. Thế nhưng, trừ các NHTM nhà nước, lãi suất huy động hiện vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức khá cao, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, hiện huy động ở mức trên 8%/năm các kỳ hạn dài, thậm chí lên đến 8,5% - 8,7%/năm, cùng nhiều chương trình cộng thưởng lãi suất.

Và hiện nay, không chỉ có sự phân hóa lãi suất huy động giữa các ngân hàng mà theo các chuyên gia trong ngành, các ngân hàng đang tìm cách tối đa hóa lợi ích cho người gửi tiền bằng cách sàng lọc khách hàng tiềm năng.

Đơn cử, Vietcapital Bank tăng mạnh lãi suất huy động tiền gửi, lên đến 8,7%/năm cho kỳ hạn tiền gửi dài ngày từ 24 tháng áp dụng cho một số đối tượng khách hàng. Hay như tại VPBank, SHB mức lãi suất tiết kiệm cao nhất cũng lên đến 8,6%/năm.

Còn tại VietA Bank lãi suất kỳ hạn 12-15 tháng được neo ở mức 8-8,1%/năm; tại Nam A Bank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiền đồng dành cho chương trình “Cùng Nam A Bank đón Xuân Tài Lộc”, với kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm 13 tháng lên đến 8,3%/năm; tại Bac A Bank, BaoVietBank lãi suất cao nhất lần lượt là là 8,4%/năm và 8,2%/năm; lãi suất cao nhất của GPBank trên 8%/năm.

Ngoài việc tăng lãi suất tiền gửi, nhiều ngân hàng khác như: MaritimeBank, VIB, ABBank, Sacombank, ACB… đẩy mạnh chương trình tặng quà cho khách hàng đến gửi tiết kiệm.

Như vậy, việc ngân hàng tăng lãi suất huy động là đáp ứng mục tiêu hoạt động của mình, nhưng đây lại là lợi thế cho người gửi tiền. Do đó, mỗi người dân nên lựa chọn cho mình một kênh gửi tiền phù hợp nhất để hưởng lợi ích ngày càng lớn từ phía ngân hàng mang lại…