Cần nới hạn trích lập dự phòng rủi ro?

Theo Hà Phương/enternews.vn

Để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, kiến nghị từ các tổ chức tín dụng (TCTD) là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nâng thời hạn trích lập dự phòng rủi ro cho các nhà băng lên 05 năm...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được đánh giá hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh, cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Trong đó, về phía doanh nghiệp, việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ trong Thông tư 03 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19.

Phía NHTM, sửa đổi bổ sung Thông tư 03 tác động tích cực nhiều hơn, cả trong ngắn và dài hạn. Danh mục nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có thể tăng nhẹ trong 2021 do điều kiện cho phép các khoản nợ tái cơ cấu mở rộng.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, về bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp và chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng đến nay ngân hàng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ gì từ Chính phủ, kể cả việc cấp vốn điều lệ với NHTM Nhà nước. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải thực hiện tiết giảm chi phí, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay mới, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho vay mới… cho khách hàng và phải loại dự thu đối với khoản nợ đã cơ cấu cho khách hàng.

Việc cơ cấu nợ theo Thông tư 03 sửa đổi bổ sung sẽ không chuyển nhóm nợ tương ứng đối với khách hàng và được xem xét cho vay mới nếu dự án có tính khả thi và đáp ứng được điều kiện của các TCTD. Song về bản chất khoản nợ đó là nợ dưới chuẩn và phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình là 3 năm. Hơn nữa, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các TCTD sẽ không có nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vậy nên, áp lực của ngân hàng là rất lớn.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Ngân hàng, việc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của Ngân hàng. Do vậy, quy định các TCTD phải trích tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến ngày 31/12/2021 (và tỷ lệ phân bổ tương ứng cho các năm tiếp đến) là khá lớn, rất khó cho TCTD.

Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu sửa đổi các quy định tại Thông tư 03, các TCTD đề nghị NHNN xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho các TCTD, giúp các TCTD có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 6a Thông tư 03 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung theo công thức sau:

Số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung = A – B. Trong đó: A: Số tiền dự phòng cụ thể phải trích quy định tại khoản 2 Điều này; B: Số tiền dự phòng cụ thể đã trích quy định tại khoản 1 Điều này”

Tại mục A: Số tiền dự phòng phải trích “đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này)”.

Trường hợp khoản nợ đã được cơ cấu giữ nguyên nhóm theo Điều 6 Thông tư 03 (ví dụ gia hạn nợ), sau đó khách hàng đã trả nợ đúng hạn theo lịch cơ cấu mới qua thời gian thử thách nêu tại Điều 10 Thông tư 02, thì TCTD có được coi đây là khoản nợ nhóm 1 thông thường hay không (không áp dụng điều chỉnh lên nhóm 3 để tính chênh lệch trích lập dự phòng theo quy định tại Khoản 3 Điều 6a nêu trên). Do vậy, NHNN có hướng dẫn cụ thể tại mục này để tất cả các TCTD đều thống nhất cách hiểu và thực hiện như nhau.

Mặt khác, với quy định hiện hành thì các TCTD phải theo dõi tay toàn bộ các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hơn nữa số lượng khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch CoOVID-19 có thể tăng thêm do diễn biến dịch còn kéo dài, gây tốn nguồn lực, dễ nhầm lẫn, sai sót trong tính toán.  Do vậy, NHNN nghiên cứu áp dụng công thức tính đơn giản, dễ vận dụng hoặc có hướng dẫn chi tiết để hạn chế sai sót cho các TCTD trong công tác trích lập dự phòng, nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến khá phức tạp trong lần thứ 4 này, nếu không sửa đổi bổ sung kịp thời Thông tư 03 các TCTD sẽ không có nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.