Ngân hàng Nhà nước:

Cần tạo lập môi trường phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam


Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet đạt hơn 200 triệu giao dịch, giá trị hơn 10 triệu tỷ đồng, tăng 51,8% so với năm 2018. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng TTKDTM hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế.

Tồn tại hiện nay trong TTKDTM

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng (Chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2019). Số liệu này cho thấy, TTKDTM đang phát triển mạnh mẽ và phổ biến ở nước ta.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet , các khoản vay tài chính…

Mặc dù, đạt được một số kết quả nhưng TTKDTM hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế như: Việc thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế còn gặp những trở ngại do thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế.

Về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực với những con số đáng khích lệ. Đặc biệt giá trị giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng giữa các mảng không đồng đều. Giao dịch không dùng tiền mặt ở một số mảng còn khá yếu. Đại diện Cục thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng đã xuất hiện thêm các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có việc áp dụng thanh toán qua tài khoản viễn thông.

Còn theo ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho rằng: Trong năm 2019, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới. Nhưng phải nhìn nhận bản chất của mức tăng trưởng này do chúng ta có điểm xuất phát thấp, nên giai đoạn đầu sẽ có mức tăng trưởng rất nhanh. Dù sao, tiền mặt vẫn là vua ở Việt Nam. Hầu hết giao dịch, hơn 90% vẫn là tiền mặt.

Theo các chuyên gia, việc TTKDTM hiện nay còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng và công ty Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc TTKDTM chưa nhiều. Tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện TTKDTM...

Các giải pháp thúc đẩy TTKDTM

Nói về giải pháp thanh toán qua tài khoản viễn thông, ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng, việc sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ là cơ hội lớn cho ngành ngân hàng.

Ông Phạm Trung Kiên cho biết, giá trị nhỏ đang hiểu là người dân thanh toán tiền uống cốc trà đá, vé gửi xe, mua bánh xà phòng, gói mì, cốc cà phê. Những thanh toán nhỏ lẻ như vậy chưa ai dùng tài khoản ngân hàng. Do vậy, nếu rút điện thoại ra trả tiền được sẽ khá thuận tiện cho người dân. Khi người dân quen thuộc với dùng thanh toán điện tử, họ tiêu dùng những hàng hóa giá trị lớn hơn như mua xe máy, xe đạp, hay cần làm ăn gì, họ cũng sẽ điện tử hóa phương thức thanh toán.

Cũng theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và TTKDTM, mà cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Bên cạnh đó cần có các giải pháp cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng cần tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân đang sử dụng phổ biến để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, để Fintech cung cấp chính thống các dịch vụ thanh toán, trong đó có cả các dịch vụ công, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý để cho phép các công ty Fintech tham gia. Các ngân hàng cũng xác định phải hợp tác cùng công ty Fintech vì công ty Fintech có rất nhiều lợi thế. Điều này buộc ngân hàng phải thay đổi cách thức hoạt động cho phù hợp, đồng thời, các dịch vụ tiện ích cũng phải đa dạng và có sự phối hợp.