Chính sách tiền tệ "vượt bão" Covid-19 ít tác động đến lạm phát

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Kể cả khi diễn biến dịch Covid-19 xấu hơn, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất, nhưng điều này cũng không đáng lo ngại sẽ tác động đến lạm phát, bởi cơ quan điều hành vẫn còn nhiều khoảng trống trong sử dụng công cụ lãi suất.

Chuyên gia nước ngoài nhìn nhận những chính sách kinh tế gần đây của Việt Nam dường như sẽ hữu hiệu đối với nền kinh tế.
Chuyên gia nước ngoài nhìn nhận những chính sách kinh tế gần đây của Việt Nam dường như sẽ hữu hiệu đối với nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất nằm trong dự đoán, nhưng sớm hơn so với nhận định của giới phân tích thị trường. Điều này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của NHNN về rủi ro của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.

Không loại trừ khả năng tiếp tục giảm lãi suất

Trong Báo cáo "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Tham gia lực lượng cứu hộ", Khối Nghiên cứu toàn cầu HSBC cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ chậm lại, thấp hơn mục tiêu 6,8% do nhu cầu suy yếu và tác động từ sự gián đoạn chuỗi sản xuất. Điều này cho phép NHNN cắt giảm lãi suất.

“Mặc dù lạm phát tăng trong 3 tháng qua, nhưng giá dầu giảm sẽ giúp áp lực lạm phát sẽ dần giảm nhẹ trong những tháng tới với mức ước tính cả năm là 4,2%, hoặc thậm chí thấp hơn nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu đi”, Báo cáo nêu.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

“Áp lực lạm phát đã giảm bớt do giá dầu giảm mạnh, đặc biệt là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước đã được củng cố vững chắc trong những năm qua”, ông Hà cho hay.

Thực tế, với việc cắt giảm lãi suất, NHNN đang đặt mục tiêu giảm bớt gánh nặng tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh thông qua kênh tín dụng. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu vốn giảm bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang thực hiện một số giải pháp khác như yêu cầu các ngân hàng thương mại miễn, giảm phí, lãi suất; cơ cấu lại nợ cho các khoản vay bị tác động bởi dịch bệnh. Do đó, quyết định cắt giảm lãi suất sẽ bổ sung cho các biện pháp nới lỏng trước đây và có khả năng hỗ trợ nền kinh tế trên diện rộng trong bối cảnh rủi ro đang tăng.

Chuyên gia của HSBC kỳ vọng NHNN sẽ duy trì các mức lãi suất hiện nay cho đến hết năm. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu ngày càng xấu đi, cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ cắt giảm thêm 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong quý II/2020, mặc dù đó không phải là kịch bản cơ sở hiện nay.

Gói hỗ trợ tiềm ẩn ít nguy cơ lạm phát

GS.,TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom, Hanoi, nhìn nhận những chính sách kinh tế gần đây của Việt Nam dường như sẽ hữu hiệu đối với nền kinh tế.

Cụ thể, Chính phủ tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng. Thứ hai, NHNN hạ lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đề xuất một vài công cụ kinh tế liên quan đến miễn giảm và gia hạn thuế và phí.

GS.,TS. Andreas Stoffers phân tích, trước hết có thể nói rằng, gói hỗ trợ tín dụng tiềm ẩn ít nguy cơ liên quan đến lạm phát, bởi lẽ 250.000 tỷ đồng không phải hoặc có ít nguồn cung tiền mới được bơm ra thị trường, khoản tiền này sẽ dùng để gia hạn các khoản vay, giảm hoặc gỡ bỏ lãi suất, giảm các chi phí giao dịch…

Nói cách khác, khoản tiền sẽ nhằm mục đích “bôi trơn” để giúp các bánh răng trong nền kinh tế - các công ty vận hành. Mặc dù nguồn lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm nhưng ít nhất thì họ cũng duy trì được tính thanh khoản.

Bên cạnh đó, gói 30.000 tỷ đồng cũng có ít khả năng gây ra lạm phát, bởi lẽ mục đích của khoản này là để giảm thuế hoặc giãn thời gian trả thuế và giúp các doanh nghiệp duy trì tính thanh khoản trong tài chính của họ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này khuyến nghị với cả hai gói hỗ trợ, điều quan trọng nhất là đảm bảo thành phần tham gia biết cách thức các gói hoạt động và làm rõ ràng những đơn vị cần được ưu tiên sử dụng công cụ hỗ trợ nhằm tránh các rủi ro về lạm phát và lấy đi các nguồn chi trả cho chính sách tài khóa từ tay Chính phủ.

“Không ai biết trước được đại dịch sẽ kéo dài trong bao lâu. Những phản ứng tài khóa tức thời sẽ trở nên ngày càng quan trọng và điều đó yêu cầu nguồn lực bền vững", GS.,TS. Andreas Stoffers nhấn mạnh.

Đánh giá về việc NHNN cắt giảm lãi suất, ông cho rằng đây là một tín hiệu quan trọng. Những chính sách đó có thể cho phép các công ty vay vốn một cách rẻ hơn. “Tại Việt Nam, tình hình có vẻ khả quan hơn. NHNN vẫn còn nhiều khoảng trống trong sử dụng công cụ lãi suất. Tuy nhiên, bài học của châu Âu chính là lời cảnh báo cho Việt Nam để chống lại việc hạ lãi suất điều hành bằng 0%", chuyên gia này nhận định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chính sách của Việt Nam cũng kéo theo rủi ro, ví dụ như nợ quốc gia sẽ tăng lên.