Cơ cấu lại danh mục tài sản để hướng tới Basel II

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Khó tăng vốn cấp 2, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ cơ cấu lại danh mục tài sản bằng cách thay vì cho vay các danh mục rủi ro cao như bất động sản, các ngân hàng định hướng xuống các danh mục rủi ro thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng Basel II. Đến nay, có 17 NHTM đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn, trong đó có 10 NHTM là Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MB, ACB, TienphongBank, Techcombank, MSB, HDBank đã được NHNN cấp “giấy chứng nhận” áp dụng Basel II trước thời hạn.

10 ngân hàng áp dụng Basel II

Nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng phải thực hiện 3 trụ cột: yêu cầu hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 8%, đánh giá của cơ quan giám sát, nguyên tắc thị trường.

Mặc dù vậy, để đạt được các tiêu chuẩn của Base II, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ông Peter Verhoeven, Giám đốc điều hành công ty tư vấn tài chính 6 Sigma, cho hay thách thức không chỉ dành riêng cho các ngân hàng Việt Nam, mà các thị trường, các quốc gia trên thế giới cũng phải vượt qua. Quan trọng là tính cam kết của ban lãnh đạo, họ sẽ định hướng và truyền tải từng thông điệp cho ngân hàng mình trong từng lĩnh vực, từng bộ phận, phòng ban.

Ngoài ra, theo tính toán, việc triển khai chuẩn mực vốn Basel II đòi hỏi nguồn tài chính lớn, khoảng 10-15 triệu USD, trong khi nhiều ngân hàng Việt Nam còn có quy mô nhỏ. Vì vậy, đây sẽ là trở ngại khi triển khai Basel II.

Theo giới chuyên gia tài chính-ngân hàng, một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Basel II là hệ số CAR yêu cầu ở mức 8%.

Ba năm qua, các ngân hàng đã nỗ lực để tăng vốn tự có như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc tăng vốn điều lệ theo hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, hay phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Thực tế, trong số 10 ngân hàng “về đích” Basel II trước thời hạn cũng có một số nhà băng thành công phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế do có bước đi cụ thể trong việc tiến đến Basel II. Ngoài ra, việc kêu gọi thành công vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cũng giúp quá trình về đích Basel II nhanh hơn.

Chẳng hạn, BIDV là một trong số những ngân hàng lựa chọn thực hiện thí điểm Basel II, đến nay cơ bản một số yếu tố đáp ứng quy định, nhưng liên quan đến tăng vốn chưa đáp ứng. Mới đây, ngân hàng này đã hoàn tất việc bán 15% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là KEB Hana Bank với giá 882 triệu USD và dự kiến trong quý III sẽ hoàn tất quá trình tăng vốn, có thể áp dụng Basel II ngay trong năm nay.

10 ngân hàng đã được áp dụng Basel II trước thời hạn
10 ngân hàng đã được áp dụng Basel II trước thời hạn
 

Sở hữu chéo đã được giải quyết

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng may mắn bán được cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, đứng trước áp lực tăng vốn, thời gian qua, có tình trạng ngân hàng mua chéo trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Bà Trần Thị Thu Hằng, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng của NHNN, cho biết, NHNN gần đây có rất nhiều giải pháp nhằm xử lý tình trạng sở hữu chéo trái phiếu hoặc tăng vốn ảo trong hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, Thông tư 36 được sửa đổi rất nhiều, mỗi biện pháp đưa ra đều nhằm mục đích siết chặt hơn tình trạng sở hữu chéo lẫn nhau vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD). Chẳng hạn, việc góp vốn vào các TCTD khác sẽ bị khống chế chỉ được 5% và không quá 2 TCTD. Còn việc ngân hàng nắm vốn hoặc trái phiếu của các TCTD khác nhằm tăng vốn cấp 2 cũng bị trừ thẳng vào vốn.

“Hiện nay, các chế tài xử lý tình trạng sở hữu chéo và nắm giữ trái phiếu lẫn nhau của các TCTD đã được giải quyết”, bà Hằng khẳng định.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng chọn phương án cơ cấu lại danh mục tài sản có. Nghĩa là thay vì cho vay các danh mục rủi ro cao như bất động sản, các nhà băng định hướng xuống các danh mục rủi ro thấp, sử dụng hiệu quả biện pháp giảm thiểu rủi ro như quản lý tài sản bảo đảm.

Vì thế, một số ngân hàng có thể không có động thái tăng vốn, nhưng cơ cấu lại danh mục tài sản, quản lý tài sản đảm bảo thì được ghi nhận giảm thiểu rủi ro, giảm nhu cầu về vốn với danh mục tài sản đó. Đặc biệt, đối với các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ dễ dàng thay đổi danh mục đầu tư.

Trước nguy cơ một số ngân hàng khó hoàn thành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào đầu năm 2020, bà Hằng cho biết hiện nay, một số ngân hàng đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt và gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nên khả năng thực hiện đúng lộ trình Basel II sẽ khó khăn. Do đó, khi sửa đổi Thông tư 36 có bổ sung điều khoản của Thông tư 41 cho phép các ngân hàng có thêm thời gian thực hiện Thông tư 41.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là giãn hay hoãn mà có những điều khoản chặt chẽ, đưa vào yêu cầu quy định về hệ số rủi ro cao hơn. Đồng thời, thanh tra giám sát sẽ chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng này.