Có thể đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% cuối năm nay

Minh Khôi

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tốc độ xử lý nợ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đạt 11.064.239 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cuối năm trước. Cùng với đó, vốn tự có và vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng tăng nhanh hơn. Nếu xét về chỉ tiêu vốn điều lệ, toàn hệ thống tăng 12,47% trong năm qua lên 576.338 tỷ đồng.

Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ngân hàng là 12,14%, trong đó CAR của khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước là 9,52%; NHTM cổ phần là 11,24% và ngân hàng liên doanh – nước ngoài là 25,88%. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ở mức 28,41% tại thời điểm cuối năm, thấp hơn nhiều so với quy định của NHNN.

Đặc biệt, báo cáo của NHNN cho thấy, tính đến 31/1/2019 tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 1,96% giảm so với mức 1,99% cuối năm 2017. Nợ ngoại bảng bao gồm nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 5,85% giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.

Tốc độ xử lý nợ tiếp tục được cải thiện nhằm đạt được mục tiêu phấn đấu đến cuối năm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%.

Thời gian qua, việc Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã tạo cơ sở pháp lý để toàn ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai các giải pháp tái cơ cấu hệ thống TCTD, gắn với đẩy mạnh xử lý nợ xấu và các khoản nợ nguy cơ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Qua đó, góp phần ổn định hệ thống TCTD và đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Thực tế cho thấy, qua hơn một năm triển khai Quyết định số 1058/QĐ-TTg, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu nghiêm túc, có hiệu quả…

Mới đây, Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm đối với 14 NHTM Việt Nam và điều chỉnh mức xếp hạng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức B1 “triển vọng tích cực” lên mức B3 “triển vọng ổn định”. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2010 của Chính phủ đang đi đúng hướng...

Theo các chuyên gia kinh tế, để xử lý rốt ráo nợ xấu, trọng trách “đè nặng” lên các TCTD. Theo đó, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mang lại hiệu quả cao hơn, trước tiên cần có sự vào cuộc mạnh mẽ tích cực của các bên liên quan.

NHNN, các NHTM cần chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong công tác xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, các TCTD phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là Tòa án, cơ quan thi hành án để tiến hành khởi kiện, phát mại tài sản bảo đảm đối với những khách hàng có nợ xấu không còn khả năng trả nợ, không hợp tác trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với khoản nợ.

Bên cạnh đó, các TCTD cần tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14; Phối hợp chặt chẽ để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam.

Đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường.

Trong quá trình xử lý nợ xấu, TCTD nghiêm túc đánh giá khả năng thu hồi nợ, cũng như phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý hiệu quả, kịp thời. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt là tại các chi nhánh của TCTD…