Đã giải ngân 10% gói tín dụng ưu đãi 7.500 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng đối tượng

Theo Chí Tín/thoibaotaichinhvietnam.vn

Số tiền giải ngân cụ thể tính đến ngày 8/11 là 750 tỷ đồng, cho vay 1.449 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 209.280 lượt người lao động. Phạm vi cho vay đã triển khai tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đã giải ngân 10% gói tín dụng ưu đãi 7.500 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng đối tượng.
Đã giải ngân 10% gói tín dụng ưu đãi 7.500 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng đối tượng.

Thông tin trên vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp về tình hình giải ngân gói tín dụng ưu đãi 7.500 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chính sách cho vay hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021.

Trong đó, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 quy định có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất.

Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm, lãi suất 0%/năm từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thời hạn giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến hết ngày 31/3/2022 hoặc khi giải ngân hết nguồn tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.

Đến ngày 8/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 68.

Theo Nghị quyết 126, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp đảm bảo tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.

Thời gian ngừng việc giai đoạn từ 1/5/2021 đến 31/3/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Tiếp đó, ngày 6/11/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23.

Các nội dung cơ bản của Quyết định 33 được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn chính sách.

Sau khi Quyết định 33 được ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, sẽ thường xuyên rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng chính sách để đáp ứng nguồn vốn cho vay; chủ động tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ vay vốn và giải ngân kịp thời.

Ngân hàng Chính sách cũng duy trì các số điện thoại đường dây nóng trong toàn quốc để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, tháo gỡ kịp thời trong quá trình thực hiện.