Đại hạ giá, nợ xấu vẫn ế

Theo InfoMoney

Dù đã nhiều lần hạ giá bán các tài sản thế chấp để thu hồi nợ xấu, song các ngân hàng vẫn không dễ phát mãi tài sản trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giảm giá bán tài sản thế chấp

Ngân hàng Sacombank đang thanh lý hàng loạt bất động sản để xử lý nợ xấu. Trong đó, 3 lô đất “khủng” được Sacombank rao bán đại hạ giá gần 3.000 tỷ đồng. Trước đó, 3 lô đất này đã được Sacombank rao bán nhiều lần, nhưng vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Cụ thể, toàn bộ Dự án Khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B được Sacombank rao bán với giá khởi điểm 6.029 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với cách đây nửa năm. Dự án Khu dân cư phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) được rao bán với giá khởi điểm 3.424 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với nửa năm trước. Tháng 10/2018, Sacombank đã rao bán Dự án Khu công nghiệp Phong Phú ở quận Bình Chánh với giá 6.650 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với mức giá chào bán ban đầu.

Cuối năm 2018, lần thứ 3, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài (Bình Định), thông qua Công ty Đấu giá Lam Sơn rao bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân. Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn nợ VAMC và BIDV lần lượt là hơn 1.900 tỷ đồng và 473,3 tỷ đồng.

Trong lần bán đấu giá lần này, các chủ nợ đã hạ giá đấu giá khởi điểm khoản nợ còn 1.090,3 tỷ đồng. Trước đó, lần đấu giá đầu tiên, các chủ nợ đưa giá khởi điểm là 1.208 tỷ đồng, nhưng không ai tham gia. Đến lần thứ 2, VAMC và BIDV đã giảm giá 5%, tương đương 1.147 tỷ đồng, nhưng cũng ế ẩm.

VAMC cũng liên tiếp hạ giá bán khoản nợ xấu của Đông Thiên Phú vào cuối năm 2018. Giá khởi điểm mà VAMC đưa ra trong lần đấu giá này đối với khoản nợ này là hơn 137 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với thông báo trước đó. So gần 4 tháng trước, mức giá khởi điểm giảm khoảng 107 tỷ đồng, tương đương giảm 44%.

Nợ xấu khó đẩy lùi nhanh

Hoạt động xử lý nợ của Sacombank đang được đẩy mạnh và theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, đây là vấn đề trọng tâm của Ngân hàng. Theo đó, Sacombank đã mạnh tay tăng chi phí dự phòng rủi ro thêm gần 2 lần, lên 1.592 tỷ đồng. Tổng số nợ xấu nội bảng của Sacombank đến cuối năm 2018 đã giảm gần một nửa so với hồi đầu năm, xuống còn 5.427 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh từ 4,67% xuống còn 2,11%.

Đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu

Đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm sâu dưới ngưỡng 2% - ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vừa được ban hành đầu năm 2019.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm sâu dưới ngưỡng 2% - ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vừa được ban hành đầu năm 2019.

Tuy vậy, tại nhiều ngân hàng, nợ xấu có dấu hiệu tăng khi kết thúc năm 2018. Tại Ngân hàng OCB, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,79% lên mức 2,28% tính đến cuối năm 2018. Trong đó, một phần nợ xấu do ngân hàng này đã mua lại từ VAMC sau thời gian bán 5 năm chưa xử lý được. Tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay thị trường 1 của VietinBank tăng lên mức 1,56%, thay vì 1,13% vào cuối năm 2017…

Trước tình hình trên, VAMC cùng nhiều ngân hàng đang ráo riết bắt tay xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm, trong đó nhiều khoản nợ lớn được hạ giá hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng. Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế - tài chính, thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Tuy vậy, việc giảm tiếp nữa là vấn đề không dễ kỳ vọng sớm, bởi nó liên quan đến các dự án của doanh nghiệp hoặc có giá trị lớn.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lý giải, vấn đề xử lý nợ xấu đang vướng ở nhiều điểm. Cụ thể, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội ra đời để hỗ trợ xử lý nợ xấu, nhưng là đưa ra cơ chế, trong khi thực tế, việc xử lý nợ xấu không chỉ dựa vào cơ chế, mà tùy thuộc vào sự tương tác của thành phần xử lý nợ xấu (bao gồm: ngân hàng, con nợ và các bên liên quan như, tòa án, chính quyền địa phương, cơ quan an ninh…).

Trong khi đó, hàng loạt món nợ xấu, mà chủ yếu là bất động sản, có giá trị khủng từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng được VAMC và các ngân hàng ra sức rao bán, nhưng rất hiếm thương vụ giao dịch thành công. Đơn cử, Dự án cao ốc Sài Gòn One Tower tại TP.HCM được rao bán với giá khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng gần 2 năm nay chưa bán được. Bên cạnh nợ xấu tồn đọng, còn có những món nợ xấu mới phát sinh khi tín dụng tăng trưởng mạnh.

Đầu năm 2019, Chính phủ đề ra nhiệm vụ quyết liệt xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Cụ thể, trong năm nay, ngành ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%.