Tỉnh Bạc Liêu:

Đẩy mạnh các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu

Một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ, UBND tỉnh Bạc Liêu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho phát triển kinh tế và phục hồi lại nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo chính là tăng cường đầu tư tín dụng cho phát triển sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế với quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” và đảm bảo an sinh xã hội.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng ACB - Chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng ACB - Chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh

Đồng hành chia sẻ khó khăn

Thực hiện chỉ đạo này và để kịp thời hỗ trợ, chủ động cung cấp nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã huy động vốn gần 25.000 tỷ đồng và đầu tư cho doanh nghiệp vay phát triển sản xuất - kinh doanh gần 32.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2020.

Để đạt được kết quả quan trọng đó, phải ghi nhận sự quyết tâm và đồng hành chia sẻ khó khăn từ các tổ chức tín dụng. Điển hình như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - Chi nhánh Bạc Liêu, từ tháng 10 đến nay, đã tích cực triển khai  chương trình “Vượt sóng lớn chuyển mình vươn xa” với mục đích giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh phục hồi sản xuất với lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm cho doanh nghiệp và 5,5%/năm cho hộ sản xuất - kinh doanh như: cho vay bổ sung vốn lưu động, vay đầu tư tài sản cố định, vay đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh…

Cùng với đó, Ngân hàng ACB - Chi nhánh Bạc Liêu cũng đã tập trung đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ và giảm tối đa các khoản phí giao dịch, nhằm giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh tiết giảm chi phí. Đơn cử như khách hàng có thể trả thêm vốn gốc lên đến 100 triệu đồng mỗi tháng mà không bị tính phí trả nợ trước hạn.

Cũng như tặng Gói tài khoản thanh toán với ưu đãi không phí trong chuyển khoản online, rút tiền ATM và hoàn tiền đến 1% khi thanh toán bằng thẻ ACB Visa, đặc biệt là hoàn ngay 5% cho lần đầu nộp thuế điện tử. Ngoài ra, còn có Gói không phí cho khách hàng doanh nghiệp. Với gói hỗ trợ này, khách hàng doanh nghiệp khi sử dụng 2 trong 3 kênh giao dịch online (ACB Online, Business Banking, Business App) sẽ được miễn phí giao dịch…

Với việc triển khai các chương trình tín dụng và gói vay hỗ trợ này, đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế của địa phương, nhất là chiếm gần 90% doanh nghiệp của tỉnh đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giảm tối đa phí giao dịch, giảm thêm chi phí nhân sự vận hành và chủ động trong các hoạt động tài chính...

Cùng với Ngân hàng ACB - Chi nhánh Bạc Liêu, các ngân hàng thương mại khác như: Agibank Bạc Liêu, Vietcombank Bạc Liêu, Sacombank Bạc Liêu, BIDV Bạc Liêu, Vietbank, MSB, VIB.... cũng đã và đang tích cực triển khai các chương trình tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi…

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

Với quyết tâm phục hồi kinh tế và giữ vững tăng trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để xử lý những vấn đề khó khăn, bất cập trong quan hệ tín dụng với khách hàng về hoàn thiện thủ tục pháp lý, về cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo...

Đồng thời, tổ chức làm việc với chi nhánh tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết khó khăn, vướng mắc và các biện pháp xử lý thích hợp, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống và quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh doanh được giao năm 2021, nhằm góp phần cho tăng trưởng chung của tỉnh.

Cùng với đó, kịp thời kiến nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cấp tín dụng, nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19 và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và phấn đấu giảm lãi suất cho vay…