Đề xuất quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

Hương Giang

Nhằm giúp Ngân hàng có định hướng xử lý các khoản nợ bị rủi ro, đồng thời giúp người vay giảm bớt gánh nặng về tài chính khi gặp rủi ro bất khả kháng, Bộ Tài chính đã có nhiều đề xuất mới tại Dự thảo Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) .

Bộ Tài chính cho rằng việc thực hiện xử lý rủi ro về nguyên tắc cần phải thực hiện kịp thời để đảm bảo tính khách quan và chính xác.
Bộ Tài chính cho rằng việc thực hiện xử lý rủi ro về nguyên tắc cần phải thực hiện kịp thời để đảm bảo tính khách quan và chính xác.

Bộ Tài chính cho biết, Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH đã giúp Ngân hàng có định hướng xử lý các khoản nợ bị rủi ro, đồng thời giúp người vay giảm bớt gánh nặng về tài chính khi gặp rủi ro bất khả kháng.

Về các nguyên nhân được xem xét xử lý nợ, ngoài các quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg và một số quy định tạiThông tư số 161/2010/TT-BTC chuyển sang để cụ thể hóa các nguyên nhân tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số nguyên nhân khách quan gây rủi ro tín dụng mà hiện nay chưa có cơ chế xử lý tại NHCSXH.

Theo Bộ Tài chính, người đi lao động ở nước ngoài về nước trước hạn do không đủ sức khỏe để làm việc, không đảm bảo tay nghề, không được làm đúng công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký; gia đình gặp khó khăn chưa có khả năng trả nợ. Việc bổ sung nguyên nhân này vào nhóm nguyên nhân được xem xét khoanh nợ nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho khách hàng, qua đó tạo điều kiện để khách hàng có điều kiện và thời gian để hoàn trả nợ vay cho Ngân hàng (đến nay, dự kiến có khoảng 1.959 món vay với số tiền là 38 tỷ đồng cần được xử lý).

Bộ Tài chính cho rằng, công tác xử lý rủi ro về nguyên tắc cần phải thực hiện kịp thời để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số trường hợp khách hàng bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan như bão, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh... xảy ra từ thời điểm trước năm 2014 nhưng do nhiều nguyên nhân không thực hiện lập biên bản thiệt hại tại thời điểm xảy ra rủi ro, đến nay thiệt hại đã xảy ra nhiều năm, hộ vay vốn vẫn gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ.

Ngoài các nguyên nhân trên, Bộ Tài chính còn bổ sung một số nguyên nhân khác như: hộ gia đình vay vốn hoặc học sinh, sinh viên và người đi lao động ở nước ngoài vay vốn thông qua hộ gia đình bỏ đi khỏi địa phương không có thông tin gì từ 2 năm trở lên, không có người có nghĩa vụ liên đới trả nợ hoặc người có nghĩa vụ liên đới trả nợ chưa có khả năng trả nợ; học sinh sinh viên vay vốn trực tiếp, vay vốn thông qua hộ gia đình bị bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế; học sinh sinh viên sau khi ra trường chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập hàng tháng dưới mức thu nhập bình quân đầu người của hộ có mức sống trung bình, gia đình chưa có khả năng trả nợ...