Dòng tiền đang quay lại thị trường

Theo Cẩm Hà/laodong.vn

Liên tiếp trong các ngày gần đây, lượng lớn tín phiếu đáo hạn giúp một nguồn vốn quan trọng quay lại thị trường trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tiếp linh hoạt bơm, hút vốn qua thị trường mở và kênh tín phiếu.

Một lượng vốn rất lớn đang quay lại thị trường. Ảnh: N.V
Một lượng vốn rất lớn đang quay lại thị trường. Ảnh: N.V

Cụ thể trên thị trường mở, dữ liệu cho thấy chỉ riêng trong ngày 20/7, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%. Ở phiên này, có 343,6 tỷ đồng trúng thầu trong khi không có đáo hạn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chào thầu tín phiếu kỳ hạn 56 ngày với 6.975,4 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 2,3%.

Song với 18.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, chỉ riêng trong ngày 20/7 đã có tới 11.368,2 tỷ đồng được bơm trở lại thị trường. Với diễn biến này, mức lưu hành tín phiếu hiện đã giảm xuống mức 148.304,2 tỷ đồng so với con số phổ biến 170.000 tỷ đồng trong vài phiên trước đó.

Đây là diễn biến rất mới bởi trong tuần cuối tháng 6/2022 vắt sang những ngày đầu tháng 7/2022, trên thị trường mở có 833 tỷ đồng đáo hạn trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm 1.169 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%). Trong khi đó, thông qua kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành khối lượng lớn, bao gồm 72.615 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 0,65% và 35.025 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,90%; trong khi lượng phát hành 69.600 tỷ từ tuần trước đã đáo hạn.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, như vậy tổng hợp cả hai kênh thị trường mở và tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước trong tuần cuối tháng 6 đã hút ròng tổng cộng 37.704 tỷ đồng ra khỏi thị trường. Kết thúc tuần, lượng vốn đang lưu hành trên thị trường mở tăng lên 1.699 tỷ đồng, trong khi lượng tín phiếu đang lưu hành ở mức 107.640 tỷ đồng.

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 20/6/2022, tăng trưởng tín dụng đạt mức 8,51%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng thời điểm năm 2021 là 5,47% và là mức tăng cao nhất thời điểm cuối tháng 6 trong giai đoạn 2018-2022. Dù vậy theo BVSC, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu chững lại, khi trước đó, tăng trưởng tín dụng  tới ngày 9/6/2022 đã đạt 8,15%.

Việc tăng trưởng tín dụng chững lại đã khiến cho thanh khoản hệ thống trở nên dư thừa trong các tuần gần đây. Và BVSC cho rằng đây chính là yếu tố khiến Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các hoạt động hút ròng thông qua kênh tín phiếu của hoạt động thị trường mở như trong 2 tuần vừa qua để giúp ổn định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Tuy nhiên với diễn biến mới xuất hiện trong các ngày gần đây, nhiều nhận định cho rằng dòng vốn đang có xu hướng liên tiếp quay trở lại thị trường là cần thiết trong bối cảnh cơ quan ngân hàng trung ương đang xem xét nới room tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại.

Thực tế tại cuộc họp sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ duy trì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%. Tuy nhiên cơ quan ngân hàng trung ương sẽ có bộ tiêu chí thống nhất để minh bạch phân bổ việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại. Việc tháo nút thắt về room tăng trưởng tín dụng sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng cho vay tại các ngân hàng thương mại trong các tháng cao điểm cuối năm.