Eximbank được chấp thuận tăng vốn thêm hơn 2.400 tỷ đồng

Huỳnh Phương

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.

Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Ảnh: EIB.
Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Ảnh: EIB.

Cụ thể, NHNN chấp thuận cho Eximbank phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Nguồn tiền thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn lấy từ lợi nhuận để lại năm 2017-2021.

Theo NHNN, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, Eximbank thực hiện thủ tục sửa đổi mức vốn điều lệ.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Trong lần tăng vốn gần nhất của ngân hàng này diễn ra vào năm 2011 khi Eximbank thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17% và cổ đông của Eximbank cũng phải mất 8 năm mới được nhận cổ tức. Sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của Eximbank dự kiến tăng từ mức 12.355 tỷ đồng như hiện tại lên 14.814 tỷ đồng.

Trước đó, Eximbank được biết đến là ngân hàng có vốn điều lệ và tài sản thuộc nhóm top đầu khối các ngân hàng tư nhân. Vốn điều lệ của Eximbank thậm chí chỉ sau 4 ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh: Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV.

Mới đây, HĐQT Eximbank cũng đã có quyết định tái bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc làm Tổng giám đốc. Thời gian bổ nhiệm là 3 năm, quyết định có hiệu lực từ ngày 8/9. Trước đó, ngày 8/9/2021, HĐQT Eximbank đã bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng giám đốc của ngân hàng sau hơn 2 năm vị trí này bị bỏ trống. Bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên là thành viên HĐQT, được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) trong đại hội cổ đông vừa qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Eximbank báo lãi trước thuế đạt gần 1.903 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với cùng kỳ và cao hơn 60% so với lợi nhuận thực hiện trong năm 2021. Với mức lợi nhuận này, Eximbank đã thực hiện được 76% kế hoạch năm 2022 là 2.500 tỷ đồng.

Được biết, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khách hàng đạt 174.582 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,6%, đạt 124.528 tỷ đồng; huy động vốn khách hàng tăng nhẹ 3%, đạt 141.494 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng với dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ... và mở rộng hoạt động kinh doanh của Eximbank.

Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 8/2022 cũng đã chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, VPBank sẽ phát hành tối đa hơn 2,23 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ 50%, tăng vốn điều lệ lên 67.434 tỷ đồng. Kế hoạch dự kiến sẽ thực hiện vào quý III/2022. Ngân hàng HDBank cũng được chấp thuận tăng vốn từ 20.273 tỷ đồng lên 25.503 tỷ đồng.

Trước đó, MBBank thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8 để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021. MBB phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ hơn 37,7 nghìn tỷ đồng hiện tại lên trên trên 45,3 nghìn tỷ đồng.