Giải pháp tín dụng và xử lý nợ xấu trong điều kiện nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch COVID-19


Gần 2 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng hiệu quả cho nền kinh tế, quyết liệt xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu mới, cần có thêm các giải pháp để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng

Chủ động, linh hoạt điều hành chính sách

Về điều hành chính sách tiền tệ:

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 07/10/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) trong nền kinh tế tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, trong thực thi chính sách tiền tệ, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2,0%/ năm.

Việc điều chỉnh các mức lãi suất điều hành đó đã tác động giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi nội tệ (Đồng Việt Nam) các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 0,3% - 0,6% trần lãi suất tiền gửi đến 12 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn nội tệ đối với các lĩnh vực ưu tiên với tổng mức giảm là 1,5%/năm, đến cuối tháng 10/2021 đang dao động ở mức 4,5%/năm.

Trong các tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo và điều hành của NHNN, có tổng số 16 ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam thông qua Hiệp hội Ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng khách hàng bị khó khăn, áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021, với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng trong cả nước là 20.613 tỷ đồng. Đây là con số rất quan trọng, thể hiện sự chia sẻ một phần lợi ích của các NHTM để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình giảm chi phí, giảm bớt khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, NHNN đã tái cấp vốn cho các NHTM để các ngân hàng cho vay đối với Vietnam Airlines. Các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với Vietnam Airlines và thực hiện giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng. Các NHTM cũng đang triển khai các biện pháp giảm lãi, điều chỉnh lãi suất vốn vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho các hãng hàng không khác của Việt Nam đang gặp khó khăn.

NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nhờ các giải pháp đồng bộ, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn cùng kỳ năm 2020.

Về tháo gỡ khó khăn cho thu mua, tiêu thụ lúa gạo, sau hơn 01 tháng kể từ khi có chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021 yêu cầu các NHTM và NHNN các chi nhánh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ thóc, gạo trong bối cảnh dịch bùng phát, dư nợ cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng gần 5.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng 1.500 tỷ đồng.

Về điều hành tỷ giá và qun lý ngoại hối:

NHNN kiên định mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế; trên đất nước Việt Nam chỉ sử dụng Đồng Việt Nam, giữ ổn định tỷ giá để tác động tích cực đến cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vay nợ nước ngoài của Chính phủ và của doanh nghiệp. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá và thị trường tiếp tục diễn biến tương đối ổn định, biến động không quá 0,6% trong 9 tháng của năm 2021.

Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN cũng duy trì nguồn dự trữ ngoại tệ ở mức lớn nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, NHNN phối hợp với Bộ Tài chính, cung cấp thông tin, giải thích và Chính phủ Hoa Kỳ đã gỡ bỏ nghi vấn thao túng tiền tệ cho Việt Nam. Một điểm đáng chú ý khác đó là, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công, mua được số ngoại tệ lớn, với tỷ giá thấp của các NHTM, đáp ứng cho nhu cầu thanh toán của ngân sách nhà nước hiện nay.

Về điều hành tín dụng:

NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nhờ các giải pháp đồng bộ, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 07/10/2021, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của toàn hệ thống TCTD tại Việt Nam tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và sự quyết tâm của các TCTD, đến hết năm 2021 sẽ tiệm cận mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm.

Về kết quả triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình khác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Đối với Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất (theo Nghị quyết số 68/ NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ), NHNN đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với NHCSXH để cho vay theo Nghị quyết số 68/ NQ-CP số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động (tính đến cuối tháng 9/2021)

Về hoạt động dịch vụ ngân hàng tiện ích:

Hoạt động thanh toán và công nghệ ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được NHNN hoàn thiện nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện giao dịch thanh toán trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán được triển khai. TTKDTM vẫn tăng trưởng khá.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.

Về xử lý nợ xấu:

Theo số liệu của NHNN, tính từ năm 2012 đến hết tháng 6/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng trên 530.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, đạt bình quân khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với trước khi có Nghị quyết số 42/2017, tức là trước tháng 8/2017.

Trong khi đó, nếu theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của toàn hệ thống các TCTD tại Việt Nam đến ngày 30/6/2021 là 425.500 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cuối năm 2020. Lũy kế từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD tại Việt Nam đã xử lý được 354.600 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (số liệu nói trên của NHNN tính từ 15/8/2017 đến 30/4/2021 là 354.000 tỷ đồng, thấp hơn số liệu báo cáo của các TCTD là 4.600 tỷ đồng và khác nhau 2 tháng).

Cũng theo báo cáo của các TCTD, các TCTD đã xử lý nợ xấu nội bảng là 183.000 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,61% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý). Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42/2017/ QH14 là 93.500 tỷ đồng (chiếm 26,37% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 78.100 tỷ đồng (chiếm 22,02% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã xử lý). Tính riêng từ thời điểm 30/6/2020 đến thời điểm 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 55,0 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Như vậy, từ 2 nguồn số liệu khác nhau (số liệu tổng hợp và công bố của NHNN; số liệu theo báo cáo của các TCTD), thì có sự chênh lệch về kết quả xử lý nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu ở các thời điểm gần tương tự nhưng khác nhau không nhiều. Tuy nhiên, cả 2 nguồn số liệu cho thấy, các TCTD đã rất quyết liệu xử lý nợ xấu, linh hoạt và đa dạng các hình thức xử lý nợ xấu khác nhau; Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đã đi vào cuộc sống, được các TCTD chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức có liên quan triển khai rất mạnh mẽ xử lý nợ xấu.

Mặc dù vậy, do yếu tố khách quan của dịch bệnh COVID-19 nên tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn tăng khá trong 2 năm qua, đặt ra những thách thức mới trong năm 2022 khi mà các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn bởi dịch bệnh và dư địa vận dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 không còn, nhiều vướng mắc mới phát sinh từ thực tiễn. Bên cạnh đó các cấp, các ngành chức năng tập trung và hỗ trợ phuc hồi phát triển kinh tế - xã hội địa phương giai đoạn mới của chống dịch nên sẽ không quan tâm nhiều đến phối hợp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Khuyến nghị giải pháp

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, mục tiêu và kế hoạch của năm 2022, NHNN cần tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường.

NHNN tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp đang thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do COVID-19, dành tối đa mọi nguồn lực hiện có, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, trong khuôn khổ quy định của pháp luật; đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi nền kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

NHNN tiếp tục bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và quốc tế triển khai các giải pháp kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đề ra, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Các TCTD tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. NHNN tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện tại, đồng thời theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường để điều hành lãi suất một cách phù hợp. Các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN…

Cùng với đó NHTM thận trọng về quản lý chất lượng tín dụng, xem xét thực chất các khoản nợ của khách hàng với số liệu nợ xấu thể hiện trong báo cáo tài chính công bố công khai theo niên độ. Các NHTM cần mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng sát với thực chất các khoản nợ đã được cơ cấu lại.

Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế nợ xấu. Quốc hội cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nói riêng thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước (2020 - 2021): “Thông tin và tư liệu; tin tức”, www.sbv.gov.vn;

2. Hiệp hội Ngân hàng (2021),“Thông tin hoạt động các ngân hàng hội viên”; www. vnba.org.vn;

3. Ngân hàng Thương mại (2020 - 2021): “Báo cáo tài chính”, trang web các NHTM ;

4. Vietcombank (2015-2020), www.vcb.com.vn

(*) Hoàng Nguyên Khai - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh - HUTECH.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2021