Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi: Đã đến lúc cần được nâng lên

Hà Trang

Khi gửi gắm những đồng tiền dành dụm của mình vào tổ chức tín dụng (TCTD) nào đó, bên cạnh lãi suất, uy tín của TCTD, người gửi tiền còn muốn biết, trong tình huống TCTD bị phá sản, tiền gửi của mình sẽ được bảo vệ như thế nào. Chính vì vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm luôn thu hút sự quan tâm của người gửi tiền. Bởi qua đó thể hiện mức độ bảo vệ người gửi tiền của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng thể hiện năng lực tài chính của tổ chức đầu mối bảo hiểm cho người gửi tiền.

 Hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng.

Cơ sở xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo thông lệ quốc tế

Đối với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trên thế giới, cơ sở để xây dựng chính sách bảo hiểm tiền gửi, trong đó có chính sách về hạn mức, là Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả (2014) và Hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI). IADI đã dựa vào nghiên cứu thực tế và sàng lọc những kinh nghiệm tốt nhất tại các tổ chức BHTG để xây dựng nên Bộ nguyên tắc cơ bản và các tài liệu hướng dẫn. Bộ nguyên tắc cơ bản được công nhận là tiêu chuẩn quốc tế về BHTG để các nước xây dựng mới hoặc cải cách hệ thống BHTG hiện hành.

Theo đó, Nguyên tắc 8 - Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả quy định các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng mức độ và phạm vi BHTG. Hạn mức nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức BHTG cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG.

Điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Nguyên tắc này cũng đi kèm với các tiêu chuẩn cơ bản nhằm cụ thể hóa những yêu cầu cần thiết để xây dựng hạn mức BHTG phù hợp tại từng quốc gia, tiêu biểu như:

- Hạn mức và phạm vi bảo hiểm có giới hạn và được thiết kế đáng tin cậy để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và không được làm xói mòn kỷ luật thị trường. Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được thiết lập sao cho phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ đầy đủ nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Hạn mức cần bảo vệ toàn bộ được khoảng 90% đến 95% người gửi tiền;

- Hệ thống BHTG áp dụng hạn mức và phạm vi bảo hiểm công bằng cho tất cả các ngân hàng thành viên;

- Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được đánh giá định kỳ (chẳng hạn ít nhất 05 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam

Năm 1999, Nghị định 89/1999/NĐ-CP về BHTG quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG, tối đa là 30 triệu đồng.

Năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/1999/NĐ-CP, Chính phủ đã nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 50 triệu đồng.

Ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực từ 5/8/2017, theo đó hạn mức BHTG được nâng lên là 75 triệu đồng. Tại thời điểm năm 2017, với hạn mức 75 triệu đồng, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm là 87,32%.

Định kỳ rà soát, đánh giá

Như đã đề cập, hạn mức trả tiền bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay là 75 triệu đồng đối với một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được áp dụng từ ngày 5/8/2017.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm được xem là nội dung quan trọng và thiết yếu nhất trong chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Theo thông lệ, sau một thời gian áp dụng, các cơ quan chức năng định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm để xem xét, điều chỉnh kịp thời với thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội để bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền.

Mặt khác, chính sách hạn mức BHTG cần phải đồng bộ với mục tiêu chung của chính sách BHTG là bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ và đồng thời góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền, ngăn chặn sự rút tiền ồ ạt mất kiểm soát, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng.

Về thẩm quyền quyết định hạn mức trả tiền bảo hiểm, khoản 2, Điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ.

Từ năm 2017 (năm bắt đầu áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm 75 triệu đồng) đến nay, các điều kiện kinh tế vĩ mô liên quan đến hạn mức trả tiền bảo hiểm như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất… có nhiều thay đổi. Hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Tiền gửi được bảo hiểm cũng đã có những thay đổi đáng kể.

Các nhiệm vụ mới của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tập trung vào việc tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, trước mắt tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền. Nhiệm vụ này đã được cụ thể hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng  năm 2017, bao gồm các nhiệm vụ tham gia kiểm soát đặc biệt, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với tổ chức tín dụng yếu kém, cho vay hỗ trợ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ... nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Đặc biệt, theo Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các quỹ tín dụng nhân dân; cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo hiểm cho tiền gửi tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô).

Tính đến 30/7/2021, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt 77.838 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt khoảng 70,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cuối năm 2021, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt 80.000 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt khoảng 74 nghìn tỷ đồng.

BHTGVN cho biết, năng lực tài chính của tổ chức này đủ đáp ứng chi trả ngay lập tức trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền. Nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn đang tiếp tục được quản lý và phát triển một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo tính thanh khoản.

Có thể nói, các yếu tố liên quan trực tiếp tới xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm đã thay đổi. Điều đó cho thấy, việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm đã chín muồi, nhằm phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng và đảm bảo sự phát triển an toàn hoạt động ngân hàng.

Chính phủ dự kiến nâng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước, hạn mức này đảm bảo bảo vệ toàn bộ đối với tiền gửi của 90,94% người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng, phù hợp với năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đồng thời đáp ứng thông lệ quốc tế.

Không chỉ là số tiền được bảo hiểm

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hạn mức BHTG không chỉ quyết định số tiền bảo hiểm mà người gửi tiền nhận được khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà còn tác động đến hành vi của người gửi tiền khi chưa phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm hợp lý giúp người gửi tiền yên tâm hơn khi gửi tiền tại ngân hàng, không lo lắng, rút tiền ra khỏi ngân hàng, dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt khi có biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng. Từ đó, giúp hạn chế tác động lây lan khi có ngân hàng đổ vỡ, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm là công cụ quan trọng của chính sách BHTG, trực tiếp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Hạn mức trả tiền bảo hiểm đủ lớn sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, từ đó khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống.

Điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm kịp thời, phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế xã hội giúp người dân quan tâm nhiều hơn đến chính sách BHTG, từ đó góp phần nâng cao vị thế của tổ chức BHTG trong hệ thống ngân hàng và đối với người gửi tiền.

Mặt  khác, tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm giúp góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, từ đó sẽ có tác động tích cực tới toàn xã hội.