Hàng loạt ngân hàng "chạy đua" thanh khoản cuối năm

Theo Hà Lan (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Nhằm đáp ứng cầu tín dụng tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm, nhất là trước dịp Tết, hàng loạt nhà băng chạy đua thanh khoản cuối năm.

Hàng loạt ngân hàng "chạy đua" thanh khoản cuối năm. (Ảnh minh họa)
Hàng loạt ngân hàng "chạy đua" thanh khoản cuối năm. (Ảnh minh họa)

Gần đây, lãi suất huy động tiền đồng của nhiều ngân hàng tăng 0,1 - 0,5%/năm. Cụ thể, SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, Eximbank tăng 0,1 - 0,3%/năm, OCB tăng 0,2%/năm...

Số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, kênh tiền gửi ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn khi tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng gần như đi ngang kể từ tháng 2/2021.

Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần hội phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất tiền gửi huy động vốn cho vay.

Lãi suất tiền gửi đang tăng dần về cuối năm và theo nhận định của giới phân tích, điều này hoàn toàn phù hợp, bởi nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, nếu so với lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3- 4%, thì với mặt bằng lãi suất trên, người gửi tiền vẫn có thể được hưởng lãi suất thực dương. Nhưng áp lực lạm phát năm tới đang gia tăng, thêm vào đó thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn hút tiền nhàn rỗi…, nên mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ nhích tăng trong thời gian tới.

Việc các nhà băng chạy đua thanh khoản cuối năm, nhằm đáp ứng cầu tín dụng tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm, nhất là trước dịp Tết. Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tháng 11/2021, tín dụng trên địa bàn Thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn so với tháng trước, tăng trên 2% so với tháng 10/2021.

Như vậy, tín dụng của các ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp (sau khi giảm 0,67% trong tháng 9/2021). 

Theo bà Bùi Thuý Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%). Như vậy, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường, gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (tháng 8 và 9).

Để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, mở rộng hoạt động cho vay cuối năm, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong quý IV/2021, với mức tăng 1-6% tùy từng nhà băng.

Đầu tháng 12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã được thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. NHNN đã chấp thuận cho TPBank tăng vốn thêm hơn 2.150 tỷ đồng vào vốn điều lệ trong năm nay, lên mức 10.716 tỷ đồng. HDBank cũng vừa tăng vốn điều lệ lên hơn 16.088 tỷ đồng thông qua chia cổ tức năm 2019 (đợt 2). 

ACB tăng vốn từ hơn 16.627 tỷ đồng lên hơn 21.615 tỷ đồng; BacABank tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng, VIB tăng từ 9.244 tỷ đồng lên 11.093 tỷ đồng, SeABank tăng từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm đến từ việc chia cổ tức, cổ phiếu thưởng...

Sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II mà Ngân hàng Nước quy định.

Ở thời điểm hiện tại, hệ số CAR nhiều ngân hàng kể trên vẫn đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên. Khi đó việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế. Do vậy các ngân hàng đã phải chạy đua tăng vốn lúc này.