Hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Công văn số 1835/NHNN-TD ngày 20/3/2020 về hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh: minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh: minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài từ tháng 12/2019 đến nay đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tài trợ vốn cho các dự án phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và quy định pháp luật liên quan khác. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về vốn vay theo quy định.

Ngân hàng Chính sách xã hội cần ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Chủ động phối hợp với các bên liên quan trong triển khai các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn để đẩy mạnh giải ngân theo đúng tiến độ thi công, nhanh chóng đưa các công trình này vào sử dụng, đặc biệt là tại vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.

Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, xác định tình hình và thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nắm sát tình hình sản xuất kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định. 

Đồng thời, phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định hiện hành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và quy định pháp luật liên quan khác. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, xử lý.