Phần 2:

Khía cạnh pháp lý về các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay

ThS. Phạm Hữu Nghĩa- Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh/tapchicongthuong.vn

Bài viết phân tích thực trạng quy định hiện hành về các hạn chế để bảo đảm an toàn và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo pháp luật hiện hành trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện chế định xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực này nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng của các TCTD góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam ngày càng bền vững hơn trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

(Tiếp của phần 1)

2. Thực trạng quy định xử phạt vi phạm hành chính về các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật hiện hành

Ngày 14 tháng 11 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (gọi tắt là Nghị định 88), thay thế Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Các điều, khoản của Nghị định 88 quy định rõ về các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cụ thể thực trạng quy định như sau:

Một là, vi phạm quy định về cổ phần, cổ phiếu và giới hạn góp vốn, chuyển nhượng, hoàn trả phần vốn góp tại điều 9 Nghị định 88.

Đối với hành vi mua lại cổ phần của cổ đông mà sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại không đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. Ngoài ra, với hành vi này, nghị định xử phạt còn đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm a khoản 2 Điều 9, tại điểm b khoản 2 Điều 9, tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 88.

Tuy nhiên, xét ở thực trạng hành vi vi phạm tại khoản 2 điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất 2017 vẫn còn bỏ ngỏ không được cập nhật hình thức xử phạt trong Nghị định này. Các hành vi áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại điều 130a là quy phạm pháp luật bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với TCTD. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động của TCTD cũng cần phải được quy định về mức phạt tiền và biện pháp bổ sung để làm căn cứ chế tài cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành hoặc thanh tra Chính phủ giám sát các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nếu có hành vi vi phạm như đã nói trên.

Kiến nghị:

1. Chính phủ cần sớm bổ sung hành vi vi phạm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 2 điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng vào khoản 3 điều 25 vi phạm quy định về thanh toán liên ngân hàng của Nghị định số 88.

2. Để bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể trong xã hội khi tham gia vào quan hệ pháp luật tiền tệ và ngân hàng, Nghị định 88 cần luật hóa nội dung quy định tại điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017 làm căn cứ chế tài áp dụng nhằm bảo vệ các TCTD, chi nhánh nước ngoài trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có hành vi vi phạm không xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 145. Cũng như các TCTD, chi nhánh nước ngoài vi phạm nghĩa vụ của mình trong trường hợp quy định tại khoản 3 của điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành.

Hai là, vi phạm về giới hạn góp vốn, mua cổ phần quy định tạiĐiều 129 Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017.

Tại điểm a khoản 4 điều 10 Nghị định 88 có quy định phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với 1 trong các hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm về giới hạn góp vốn, mua cổ phần quy định tại Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, xét về hành vi cũng như hậu quả của hành vi quy định nói trên trong thực tiễn thì mức phạt tiền đưa ra tại khoản 4 điều 10 Nghị định 88 là chưa tương thích.

Trong những năm qua, việc các TCTD, ngân hàng thương mại nhận thấy mức phạt trung bình cho một hành vi như tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 110 của Luật TCTD vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính1 thì hậu quả sẽ diễn ra rất phức tạp trong hoạt động ngân hàng đối với TCTD trong nền kinh tế thị trường. Nhưng thực tiễn mức phạt trung bình hành vi này của TCTD có vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm nộp phạt là 275.000.000 đồng. Vì chưa tương thích với hậu quả thực tế của hành vi mình thực hiện nên các TCTD vẫn có thể lợi dụng quy định này để vi phạm giới hạn góp vốn, mua cổ phần nói chung.

Ngoài ra, chế tài xử phạt vi phạm hành chính tại điểm b khoản 4 điều 10 Nghị định 88 cũng đề cập đến hành vi công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát ngang nhiên góp vốn, mua cổ phần của nhau; hoặc công ty con, công ty liên kết của một TCTD vẫn bất chấp quy phạm pháp luật cấm đoán để góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó; hoặc TCTD đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát vẫn góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó. Đối với những trường hợp này thì bị phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng cho 1 trong 3 hành vi nêu trên đây. Theo tác giả, việc góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát trong hoạt động của TCTD có vi phạm trong thực tế để lại hậu quả rất lớn, phức tạp cho chính TCTD cũng như cho toàn xã hội. Do đó, mức tiền phạt nêu trên cũng chưa tương thích với hậu quả của nó, chưa đủ sức răn đe trong thực tiễn thi hành pháp luật.

Kiến nghị:

Cần thống nhất trong việc ban hành chế tài xử lý hành vi vi phạm về giới hạn góp vốn, mua cổ phần quy định của Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017 với chế tài xử lý trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 điều 10 Nghị định 88, với việc nâng mức phạt tiền đủ mức răn đe, phòng ngừa hành vi từ 350.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng so với quy định phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đang áp dụng hiện nay.

Ba là, hành vi vi phạm hạn chế và giới hạn cấp tín dụng, quy định tại điều 127 và Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, về hành vi vi phạm hạn chế cấp tín dụng: Tại điểm c và d khoản 5 điều 14 Nghị định 88 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD, Ngân hàng Nhà nước. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: i) Cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho các đối tượng quy định tạikhoản 1 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng; ii) Vi phạm quy định về cấp tín dụng tạikhoản 3 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng. Theo tác giả, hành vi này trong thực tiễn rất khó phát hiện bởi mang tính quyết định của những người có thẩm quyền cấp tín dụng không tuân thủ quy định hạn chế trong cấp tín dụng. Hậu quả rất khó lường khi mà họ vẫn biết việc cấp tín dụng đối với những đối tượng bị pháp luật hạn chế tại khoản 3 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng không được hoặc chưa được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua và công khai trong TCTD. Nhưng thực tiễn xử lý hậu quả thì rất nhẹ với mức phạt trung bình cho hành vi nêu trên đối với một trong các hành vi vi phạm.

Thứ hai, về hành vi vi phạm giới hạn cấp tín dụng: Thực tiễn xử lý vi phạm tại điểm a khoản 6 điều 14 Nghị định 88 đề cập đến hành vi vi phạm khoản 2 và 4 điều 127 và khoản 1; 2 và khoản 8 điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm. Cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng là một hoạt động được phép, tuy nhiên với điều kiện không được vượt quá 10% vốn tự có của TCTD đối với tất cả các đối tượng và không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD trong tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng theo luật định. Khi đã vượt quá sự cấm đoán của quy phạm pháp luật thì hậu quả của nó rất nặng nề, mức phạt quy định tại khoản 6 điều 14 Nghị định 88 chưa tương xứng với hậu quả của hành vi.

Kiến nghị:

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm giới hạn cấp tín dụng tại khoản 6 điều 14 Nghị định 88 từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng so với trước đó.

Bốn là, hành vi cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017.

Thực trạng Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính xác định hành vi áp dụng chế tài để xử phạt, cụ thể:

- Có hành vi vi phạm, nếu như TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng cho những tổ chức, cá nhân là:

+ Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của TCTD là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn;

 + Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương.

- Vi phạm, nếu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng nói trên. Ngoài ra, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vi phạm bằng hình thức bảo đảm nào đó để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng nói trên đây.

- Có hành vi vi phạm, nếu TCTD đã cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà TCTD nắm quyền kiểm soát.

- Có hành vi vi phạm, nếu, TCTD vẫn cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính TCTD hoặc công ty con của TCTD.

- Có hành vi vi phạm, nếu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của TCTD.

Thực tế cho thấy, tất cả quy phạm pháp luật tại điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành là quy phạm pháp luật cấm đoán TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho tổ chức cá nhân. Nhưng vẫn có TCTD đã bất chấp quy định này nên có vi phạm và phải chịu trách nhiệm pháp lý do lỗi của chính minh gây ra. Xét ở góc độ thực tiễn thực hiện pháp luật thì quy định tại khoản 8, điều 14 Nghị định 88 phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân quy định tại cáckhoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng như đã phân tích trên đây là chưa thỏa đáng về mức phạt tiền.

Ngoài ra, về xử phạt buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm d khoản 9 điều 14 Nghị định 88 chưa rõ ràng, không dứt khoát để thống nhất áp dụng từ trung ương đến địa phương đối với hành vi cấp tín dụng không đúng các hạn chế bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD. Yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài2.

Kiến nghị:

Thứ nhất: Nâng mức xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về không được cấp tín dụng quy định tại khoản 8, điều 14 Nghị định 88 đối với hành vi cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân quy định tại cáckhoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng lên mức 500.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng.

Thứ hai: đối với trường hợp vi phạm từ 2 hành vi trở lên thì không áp dụng hình phạt tiền, chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cách hết chức vụ và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra truy tố trách nhiệm hình sự. Sửa lại quy định tại điểm d khoản 9 điều 4 Nghị định 88 như sau:

Yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền, của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trường hợp này không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền đối với TCTD, Ngân hàng Nhà nước có từ 2 hành vi vi phạm diễn ra trong cùng một thời điểm để xử lý trách nhiệm hình sự.

Năm là, vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản, quy định tại điều 132.

Quy định về kinh doanh bất động sản trong lĩnh vực hoạt động của các TCTD nằm trong chương 6 Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017, với 3 khoản riêng biệt thể hiện rõ đây là một quy phạm pháp luật cấm đoán như:

i) Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD;

ii) Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của TCTD;

iii) Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay. Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, TCTD phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định quy định tại Điều 140 của Luật này.

Tuy nhiên thực tế quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 1 điều 33 nghị định 88 thì lại bị loại trừ các hành vi nêu trên. Nếu như các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vi phạm thì không bị quy trách nhiệm và không bị xử phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng. Bởi vì quy định này nêu rõ “trừ trường hợp quy định tại cáckhoản 1, 2 và 3 Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng”.

Xét về khoa học pháp lý, rõ ràng đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc của Nghị định 88 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Bởi vì điều 132 trong Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017 là một thành tố không thể thiếu trong quy định về các hạn chế cần thiết bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD mà chương 6 của luật điều chỉnh cho đối tượng phải chấp hành là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động nhằm mục đích sinh lời ở Việt Nam.

Mặt khác, xét ở khoản 2 điều 33 Nghị định 88 quy định về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này là chưa hợp lý. Bởi quy định buộc khắc phục hậu quả mới chỉ dừng lại ở việc xem xét vật chất do hậu quả vi phạm từ 1 trong 3 quy phạm pháp luật cấm đoán về kinh doanh bất động sản trong hoạt động của tổ chức tín dụng quy định tại điều 132 của Luật mà chưa xem xét tính chịu trách nhiệm kỷ luật hoặc các hình thức khác cao hơn như hình sự.

Kiến nghị:

1. Nâng mức phạt tiền cho hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản cao hơn so với mức quy định hiện hành tại khoản 1 điều 33 Nghị định 88 lên mức từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

2. Bỏ cụm từ “trừ trường hợp” để thống nhất trong cách hiểu tất cả trường hợp quy định tại cáckhoản 1, 2 và 3 Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng và tại khoản 1 điều 33 Nghị định 88, như sau: “Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh bất động sản, quy định tại cáckhoản 1, 2 và 3 Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng”.

Bổ sung nội dung buộc khắc phục hậu quả tại khoản 2, 3 điều 33 Nghị định 88, như sau:

“Khoản 2. Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 1 tháng đến 3 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm.

Khoản 3. Yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các biện pháp xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền, của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến hành vi vi phạm “Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay” để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định, TCTD xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản bắt buộc phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này”.

Sáu là, vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại điều 130.

Quy định tại điều 130, có thể xác định tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt buộc phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn, như sau: i) Tỷ lệ khả năng chi trả; ii) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; iii) Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; iv) Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có; v) Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi; vi)Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Ngoài ra, quy phạm này còn bắt buộc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia phải nắm giữ số lượng tối thiểu giấy tờ có giá được phép cầm cố theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Xét ở góc độ thực trạng quy định chế tài đối với hành vi vi phạm những quy định trên đây của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì tại điều 35 Nghị định 88 đã xem xét điều chỉnh hầu hết các hành vi trong hoạt động của TCTD có liên quan đến tỷ lệ đảm bảo an toàn.

Thứ nhất: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về một trong các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau:

+ Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

+ Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

+ Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Thứ hai: Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tỷ lệ khả năng chi trả.

Thứ ba: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay trong hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ thường bỏ qua hoặc xem nhẹ việc Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có. Bên cạnh đó, hành vi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia không thực hiện nghiêm quy phạm pháp luật bắt buộc phải nắm giữ số lượng tối thiểu giấy tờ có giá được phép cầm cố theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ, nhưng không được đề cập để xử lý bằng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định 88.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý thì thiếu cơ sở chế tài để xử lý tổ chức cá nhân có vi phạm liên quan đến vấn đề tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD. Như vậy, rất thiếu minh bạch và công bằng trong quản lý hoạt động ngân hàng của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Kiến nghị:

1. Tăng mức xử phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cao hơn mức phạt trước đây đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật, quy định tại khoản 3 điều 35 Nghị định 88.

2. Bổ sung xử phạt tiền với hành vi vi phạm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hành vi vi phạm điểm d khoản 1 và khoản 2 điều 130 Luật TCTD 2017 vào khoản 1 điều 35 Nghị định 88 để minh bạch và công bằng hơn trong điều chỉnh hành vi hoạt động của các TCTD.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Khoản 4 điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017.

2Điểm d khoản 9 điều 14 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2012). Luật số 15/2012/QH13: Luật Xử lý vi phạm hành chính, ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2012.
  2. Chính phủ (2012). Nghị định số 57/2012/NĐ-CPngày 20 tháng 7 năm 2012 Quy định về Chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
  3. Chính phủ (2013). Nghị định số 53/2013/NĐ-CP Về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng.
  4. Bộ Tài chính (2013). Thông tư số 05/2013/TT-BTCHướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
  5. Chính phủ (2014). Nghị định số 01/2014/NĐ-CPngày 03/01/2014 Về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.