Không chỉ riêng Covid-19, các ngân hàng cần làm gì để ứng phó với những "cú sốc" tương tự trong tương lai?

Theo Vũ Hồng Thanh/ICTVietNam

Tác động của Covid-19 đã khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm trong quý đầu năm nay, và dự đoán sẽ giảm hơn nữa trong quý 2...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo tài chính của 26 ngân hàng đã công bố, có đến 11 ngân hàng  sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2020 so với cùng kỳ trong đó có một số các ngân hàng lớn như: Vietcombank, VietinBank, MBBank, Sacombank…., điều này xuất phát từ bốn nguyên nhân sau: (i) Thu ròng từ lãi từ lãi thuần bị thu hẹp do nhu cầu tín dụng giảm bớt, ảnh hưởng từ những biện pháp hỗ trợ người vay như: giảm lãi suất cho vay, giãn, miễn lãi (đến hết ngày 31/3/2020, theo NHNN tăng trưởng tín dụng ở mức 1,3% - thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây). (ii) Doanh thu từ phí dịch vụ có thể giảm do các chính sách miễn/giảm phí, thu từ thanh toán, bảo lãnh giảm.

 (iii) Chi phí dự phòng rủi ro tăng lên do chất lượng tín dụng suy giảm. (iv) Chi phí hoạt động tăng do năng suất lao động giảm khi phải làm việc từ xa; phát sinh thêm chi phí để bảo hộ cho người lao động….Nhiều lãnh đạo nhiều ngân hàng dự báo, quý II/2020, lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh do các ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay, giãn nợ, cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngoài ra, khả năng trích lập dự phòng sẽ tăng mạnh cũng sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận ngân hàng. Đây chính là ảnh hưởng của những "cú sốc" trong ngắn hạn, nhưng trong tương lai sẽ còn nhiều "cú sốc" như vậy? Vậy các ngân hàng sẽ ứng phó như thế nào?

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2007 từ cho vay dưới chuẩn của các ngân hàng đầu tư tại Mỹ; các ngân hàng tại Việt Nam và trên thế giới đua nhau phát triển mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong hơn 10 năm nay trở lại đây nhằm tránh rủi ro? Nhưng liệu việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ có giúp các ngân hàng tránh được tác động của các "cú sốc". Câu trả lời là "không chắc chắn", bởi đối tượng khách hàng chính của dịch vụ ngân hàng bán lẻ là các khách hàng cá nhân, trong những trường hợp dịch bệnh như Covid 19 xảy ra thì nhu cầu giao dịch sẽ ít đi bởi việc hạn chế tiếp xúc, đi lại và nhu cầu giao dịch, chi tiêu của khách hàng cũng giảm đi. Vậy thì lúc này câu chuyện về "dịch vụ ngân hàng bán lẻ" sẽ được giải quyết như thế nào?

Lý luận rất đơn giản là tăng cường tần suất các điểm "chạm"- điểm tiếp xúc giữa khách hàng và ngân hàng trong bất kỳ điều kiện hay hoàn cảnh nào, tức là  khách hàng có thể phát sinh giao dịch với ngân hàng tại bất cứ nơi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào và dịch vụ ngân hàng sẽ có mặt ngay từ khi khách hàng có nhu cầu về bất cứ sản phẩm dịch vụ nào. Muốn làm được điều này, tác giả cho rằng phải cần một "hệ sinh thái số dịch vụ ngân hàng bán lẻ"? 

Vậy hiểu như thế nào về "hệ sinh thái số (HSTS) dịch vụ ngân hàng bán lẻ"? Hệ sinh thái số dịch vụ ngân hàng bán lẻ là hệ thống các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ được số hóa theo một quy trình khép kín từ khi khách hàng có nhu cầu, đến cho vay, tiêu dùng, thanh toán trực tuyến và đánh giá các trải nghiệm của khách hàng….. nhằm xây dựng một nền "khách hàng trọn đời" cho ngân hàng.

Và để làm được điều này thì có 3 chiến lược chính mà các ngân hàng thường hay theo đuổi đó là: (i) Các ngân hàng sẽ xây dựng hệ sinh thái riêng cho mình: cách làm này thường tốn kém do đầu tư lớn, tuy nhiên mang lại sự chủ động cho ngân hàng về nguồn khách hàng và lợi nhuận trong tương lai. (ii) Các ngân hàng trở thành đối tác của Bigtech và Fintech: chiến lược này có ưu điểm là chi phí đầu tư ít hơn so với chiến lược một, tận dụng được nguồn khách hàng sẵn có từ những Bigtech và Fintech, tuy nhiên có nhược điểm là thường phụ thuộc vào nguồn khách hàng từ các Bigtech và Fintech và thu nhập không ổn định. 

(iii) Từng bước xây dựng hệ sinh thái số gắn với một mảng hoạt động hoặc một nhóm sản phẩm cụ thể đồng thời kết hợp với các Bigtech và Fintech: các ngân hàng thường thích triển khai theo triển lược này bởi nó tận dụng được các ưu điểm của chiến lược (i) và (ii); Đồng thời, nó cũng hạn chế được các nhược điểm của chiến lược (i) và (ii), tuy nhiên theo đuổi chiến lược này đòi hỏi các ngân hàng cần sự "kiên nhẫn" bởi thời gian triển khai sẽ lâu hơn….

Vậy những điều gì là cần thiết và những việc cần ưu tiên triển khai cho việc xây dựng một "Hệ sinh thái số dịch vụ ngân hàng bán lẻ", có 4 điều cốt lõi mà các ngân hàng cần lưu tâm như sau:

(i) Định vị chiến lược và xác định danh mục các sản phẩm dịch vụ và các mảng hoạt động sẽ tham gia vào hệ sinh thái số dịch vụ ngân hàng bán lẻ;

(ii) Tiến hành số hóa quy trình, sản phẩm dịch vụ bằng cách triển khai các công việc sau: Phân tích dữ liệu chuyên sâu; Ứng dụng các công nghệ mới trong triển khai số hóa bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT), công nghệ blockchain, nền tảng giao diện lập trình ứng dụng ngân hàng mở (API) và tự động hóa quá trình robot (RPA); Tăng cường thanh toán số hóa.

(iii) Tối ưu hóa hiệu quả của phân phối đa kênh, phát triển và ứng dụng mạnh mẽ Marketing số trong hoạt động ngân  hàng

(iv) Sẵn sàng cho việc cạnh tranh hoặc hợp tác với các  thách thức mới đến từ các BigTech và Fintech trong nước hoặc trên thế giới.

Và cuối cùng để làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của Ban lãnh đạo các ngân hàng cũng như nỗ lực của toàn bộ cán bộ nhân viên ngân hàng. Nó đòi hỏi tính "cam kết, "dấn thân", "chấp nhận mạo hiểm" của đội ngũ lãnh đạo cao nhất trong ngân hàng.