Kiều hối cần thời gian để phục hồi

Theo Quỳnh Trang/thoibaonganhang.vn

Đại dịch lần này gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, làm gia tăng bất định. Bởi vậy việc phục hồi lượng kiều hối còn phụ thuộc lớn vào việc phòng chống, kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 của các quốc gia trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong những năm gần đây, lượng kiều hối về nước ta tăng mạnh, năm 2019. Việt Nam đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm nay do tác động từ dịch Covid-19 dự báo lượng kiều hối về Việt Nam sẽ không còn dồi dào như trước. Thống kê mới nhất của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng kiều hối chuyển về TP.Hồ Chí Minh chỉ ở mức 1,8 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng trong tháng 3, lượng kiều hối chuyển về giảm 8% do dịch bệnh.

Phân tích về nguyên nhân khiến lượng kiều hối sụt giảm trong thời gian qua, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, thông thường, lượng kiều hối về Việt Nam ở thời điểm này thường giảm so với những tháng khác. Tuy nhiên trong năm 2020, lượng kiều hối giảm rõ rệt. Lý do là dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống và làm việc như Nga, Mỹ, Pháp… Khi bị giãn cách xã hội, kiều bào cũng lo lắng đến sức khỏe và thu nhập giảm nên đã giảm chuyển kiều hối về cho người thân.

Không chỉ vậy, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây cũng ra công điện về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trong đợt cao điểm, trong đó yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30/4. Vì vậy, “người không đi, tiền không về” cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng kiều hối sụt giảm.

Trong Báo cáo Di cư và Kiều hối mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm mạnh khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và nhiều hoạt động bị đình trệ, trong đó Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%.

Theo các chuyên gia, lượng kiều hối sụt giảm sẽ tác động phần nào đến sự phát triển của kinh tế. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích, trước đây kiều hối gửi về nước cho người thân chi tiêu, từ đó kích cầu tiêu dùng, sản xuất cũng tăng lên. Thời gian gần đây, lượng kiều hối gửi về còn để đầu tư vào sản xuất – kinh doanh. Bởi vậy lượng kiều hối giảm sẽ ảnh hưởng nhất định đến đầu tư tư nhân, sản xuất giảm sút, chi tiêu trong xã hội cũng ảnh hưởng,

Tuy nhiên theo đánh giá của WB, sang năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD. Dự báo tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, lượng kiều hối sẽ hồi phục và tăng 7,5%. Thế nhưng theo WB, triển vọng này vẫn còn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của dịch Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Bởi, trước đây dòng chảy kiều hối thường có xu hướng ngược chu kỳ, có nghĩa là trong những thời điểm khủng hoảng và khó khăn, người lao động có xu hướng gửi tiền về nhà nhiều hơn.

Đặc biệt, đại dịch lần này gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, làm gia tăng bất định. Bởi vậy việc phục hồi lượng kiều hối còn phụ thuộc lớn vào việc phòng chống, kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 của các quốc gia trên thế giới. Sau khi dịch kết thúc thì kinh tế các nước vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, thời gian tới, nếu Mỹ và một số quốc gia kiềm chế được dịch thì việc làm ăn, thu nhập của người dân cũng cần ít nhất 1- 2 năm, tùy theo mức độ khủng hoảng sâu hay nông của các nền kinh tế mới có thể phục hồi.

Nói về biện pháp thu hút kiều hối, ông Thịnh nhấn mạnh, chính sách của chúng ta đã tương đối thông thoáng về việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, hay cho phép Việt kiều có thể đứng tên ở các căn hộ… Để tiếp tục thu hút kiều hối giai đoạn này các ngân hàng có thể tính đến việc giảm chi phí về chuyển tiền, thực hiện đơn giản hóa quy trình để đảm bảo chuyển tiền nhanh, thuận lợi, đỡ phức tạp và người nhận kiều hối an tâm, có thể chuyển đến tận nhà.

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, tuy lượng kiều hối giảm nhưng thị trường ngoại hối vẫn còn những điểm sáng nhất định khi đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang tăng lên, đặc biệt rất nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, các nước EU có khả năng chuyển dây chuyền cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận để tránh sự phục thuộc vào Trung Quốc, cũng như “né” cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu nóng trở lại. “Việt Nam đang là địa điểm thu hút đầu tư tốt, vừa đảm bảo an toàn, ổn định chính trị, an ninh, kinh tế đời sống và nhất là sau đợt dịch này, các nước càng đánh giá cao sự ổn định của chúng ta. Chúng ta hy vọng nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ nhiều hơn để bù đắp lượng kiều hối sụt giảm”, ông Thịnh cho biết.