Lãi suất cho vay sẽ tăng vào cuối năm?

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Chi phí vốn bình quân của các ngân hàng đang tăng cao, đồng thời lạm phát chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Hai yếu tố này đẩy áp lực tăng lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm.

Dự báo lãi suất cho vay có thể tăng thêm từ 0,1- 0,7% trong năm 2022.
Dự báo lãi suất cho vay có thể tăng thêm từ 0,1- 0,7% trong năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp, người vay vốn kinh doanh như “ngồi trên đống lửa” vì lo ngại lãi suất cho vay tăng trong giai đoạn nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh cuối năm đang tăng mạnh.

Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất

Ngân hàng Nhà nước ấn định hạn mức tăng trưởng tín dụng của năm nay là 14%. Tính đến giữa tháng 8 vừa qua đã dùng hết 9,62%, tức là 5 tháng cuối năm, các ngân hàng chỉ còn khoảng 4,4%, tương đương khoảng 460.000 tỷ đồng để cho vay. Trong khi đó, nửa cuối năm, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế còn rất lớn.

Trong bối cảnh đó, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng đang gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Thắng Lợi cho hay, vấn đề nguồn lực tài chính đang tạo ra áp lực vô cùng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là lãi suất ngân hàng đang rục rịch tăng.

Với doanh nghiệp bất động sản, bà Nguyễn Thanh Mai, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Flamingo cho biết: “Trong bối cảnh room tín dụng bị siết chặt, lãi suất đang có chiều hướng tăng nhẹ dần theo điều tiết của từng ngân hàng".

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng lên khi lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, đầu vào của các ngân hàng cũng gia tăng. Tuy nhiên, mức tăng lãi vay dự báo sẽ không quá mạnh để phục vụ mục đích phục hồi kinh tế. Các chính sách đều phải hướng đến nhiệm vụ này.

Theo tìm hiểu, hiện một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay ở lĩnh vực bất động sản, khách hàng cá nhân… Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn được giữ nguyên với lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối cho vay khách hàng cá nhân Shinhan Bank chia sẻ, lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh trong thời gian gần đây đã khiến lãi suất cho vay tăng lên. Bên cạnh đó, áp lực lợi nhuận từ cổ đông và cơ chế quản lý bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng khiến lãi suất cho vay cá nhân đi lên.

"Trong bối cảnh room tín dụng còn lại hạn hẹp, các nhà băng phải chọn lọc khách hàng khi giải ngân", ông Vũ nói.

Lãi cho vay có thể tăng thêm tới 0,7%/năm?

Dự báo diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, sẽ phụ thuộc vào nhiều ẩn số liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô và lạm phát. Tuy nhiên, trong vài tháng tới, lãnh đạo OCB dự báo lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm do chịu áp lực mạnh hơn từ lãi suất đầu vào.

Công ty chứng khoán SSI cũng đánh giá, thời gian tới, lãi suất huy động sẽ còn tăng khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được cấp. Bên cạnh đó, từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34%, kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này đẩy chi phí vốn bình quân của các ngân hàng cao hơn, kéo theo áp lực tăng lãi suất đầu ra.

Công ty chứng khoán KB (KBSV) cũng nhìn nhận lãi suất huy động sẽ nhích lên nửa cuối năm trước áp lực lạm phát và nhu cầu tín dụng hồi phục. Với kịch bản lạm phát tăng 3,8%, KBSV dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng tăng 0,5-1%, đẩy lãi suất cho vay tăng khoảng 0,4 - 0,7%/năm.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, song cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để có những điều chỉnh hợp lý nhằm đạt được mục tiêu kép: vừa kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ nền kinh tế tận dụng cơ hội để phục hồi và bứt phá.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng dường như vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản tăng tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4%, Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.