Mặt bằng lãi suất có thể còn thấp hơn

Theo Thạch Bình/thoibaonganhang.vn

Việc NHNN giảm lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các NHTM giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Việc NHNN giảm lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các NHTM giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, DN. Nguồn: internet
Việc NHNN giảm lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các NHTM giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, DN. Nguồn: internet

Lãi suất đầu vào có thể tiếp tục giảm

Trong tuần đầu của tháng 4/2020, một số ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động ở một số các kỳ hạn ngắn và quá dài đã thu hút các ngân hàng khác cùng giảm trong đó có cả những ngân hàng lớn và nhỏ.

Cụ thể, từ ngày 3/4-7/4, Techcombank, ACB, VietCapitalBank, VPBank, VietABank, đã lần lượt công bố giảm mạnh mức lãi suất huy động cho các kỳ ngắn hạn. Techcombank áp dụng mức lãi suất huy động từ 3,8-4,65%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,4-6,4%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 5,3-6,5%/năm kỳ hạn 12 tháng. ACB áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất khi gửi tại quầy là 7,35%/năm (giảm 0,45%/năm so với hồi giữa tháng 3), kỳ hạn 12 tháng giảm 0,3% so với lần điều chỉnh gần nhất, chỉ còn 6,7-7,0%/năm.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng thường xuyên niêm yết lãi suất huy động cao nhất thị trường như VietCapitalBank, VPBank hiện nay cũng đã giảm lãi đầu vào cho các kỳ hạn trên 12 tháng. Cụ thể, VietCapitalBank áp dụng mức 7,5%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; kỳ hạn 6 - 11 tháng dao động từ 7 - 7,2%/năm. VPBank giảm 0,6% đối với kỳ hạn 36 tháng, áp dụng mức 7,3%/năm cho khách hàng lớn. Các kỳ hạn trên 12 tháng cũng được ngân hàng nay giảm 0,5-0,6 điểm % so với tháng trước.

Còn với khối các NHTM Nhà nước thường xuyên có mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường, nay cũng hạ thấp hơn. Chẳng hạn, Vietcombank giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,5%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng - 60 tháng; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,6%/năm và kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 5,1%/năm. Tương tự, tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm mạnh xuống còn 5,1%/năm, các kỳ hạn 12, 24 đến dưới 36 tháng vẫn được duy trì mức 6,8%/năm. Tại BIDV, lãi suất kỳ hạn 13 tháng - 36 tháng giảm xuống còn 6,6%/năm, chỉ có kỳ hạn 364 ngày và 12 tháng có mức lãi suất cao nhất 6,8%/năm.

Theo nhận định của CTCK SSI, việc NHNN giảm 0,5-1%/năm đối với các loại lãi suất điều hành và hạ trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 6 tháng vào giữa tháng 3 vừa qua, cộng với động thái hỗ trợ thị trường gần đây thông qua việc bơm tiền vào thị trường mở với khối lượng lớn, lãi suất thấp sẽ khiến các NHTM có thêm nhiều dư địa để mở rộng giảm biểu lãi suất huy động.

Tuy nhiên SSI cho rằng mức giảm lãi suất huy động trung bình từ đầu tháng 3 đến nay của hệ thống TCTD ở mức 0,3-0,5% là vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức giảm lãi suất cho vay. Vì thế với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãi suất tiền gửi ở các NHTM vẫn tiếp tục có thể giảm sâu trong thời gian tới. Bởi bên cạnh yếu tố lợi nhuận, việc giảm lãi suất huy động cũng sẽ tạo điều kiện để các đơn vị giảm áp lực giảm các chi phí khác như chi phí nhân viên, chi phí công nghệ thông tin… vốn là những chi phí khó cắt giảm.

Duy trì vốn rẻ cho nền kinh tế

Theo ghi nhận từ thị trường, ngay từ đầu tháng 4 vừa qua, cùng với việc giảm lãi suất huy động, hầu hết các ngân hàng đều thông báo giảm mạnh lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới và cả trên dư nợ hiện hữu. Mức giảm lãi suất là 0,5-2,5% cho các khoản vay mới và giảm 0,75-1,5% cho các khoản vay hiện hữu.

Các chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng nhận định, hiện nay thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào, nguồn vốn đầu vào lãi suất thấp khá lớn và đa dạng nên cuộc cạnh tranh giảm lãi suất huy động từ cuối tháng 3 đến nay sẽ tạo ra dư địa để các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mà không quá lo về tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM). Vì trước mắt, với sự hỗ trợ từ NHNN thông qua việc hạ trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn vào cuối 2019 và giữa tháng 3/2020, các NHTM vẫn có thể đảm bảo lợi nhuận trong ngắn hạn do việc hạ lãi suất cho vay chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn và các ngành nghề ưu tiên. Trong khi đó, các NHTM hiện nay đang huy động các kỳ ngắn hạn dưới 6 tháng ở mức cao nên việc tiết kiệm được chi phí vốn đầu vào vẫn cao hơn so với việc giảm thu nhập lãi từ hạ lãi suất cho vay.

Cũng ở góc độ cân đối nguồn vốn huy động và cho vay, một số chuyên gia tài chính nhận định rằng, hiện nay tỷ lệ NIM trung bình của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức từ 3,5% đến 3,62%. Trong thời gian qua do ảnh hướng của dịch bệnh, NIM của các ngân hàng đang có dấu hiệu giảm xuống. Vì thế để ổn định NIM trong cả năm 2020, các nhà băng sẽ đồng thời phải vừa giảm lãi suất huy động, vừa giảm lãi suất cho vay. Do đó nguồn vốn lãi suất thấp sẽ tiếp tục được các NHTM duy trì cung ứng ra thị trường trong nhiều tháng tới.

Ngoài ra, với diễn biến dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp như hiện nay, các chuyên gia cho rằng không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục đề ra các chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Khi đó, các NHTM sẽ phải cạnh tranh giảm mạnh lãi suất cho vay để tìm kiếm đầu ra. Các gói hỗ trợ tín dụng có thể sẽ được nhiều nhà băng mở rộng áp dụng với tất cả các khách hàng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế chứ không chỉ hỗ trợ giới hạn một số nhóm DN bị thiệt hại trực tiếp từ dịch bệnh như hiện nay.

Kienlongbank giảm lãi khoản vay trả góp

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), đã có quyết định giảm đến 25%/tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày tại Kienlongbank, kể từ ngày 3/4 đến 30/6/2020. Theo đó, khách hàng vay vốn trả góp ngày trên toàn hệ thống Kienlongbank sẽ được giảm số tiền lãi phải thanh toán lên đến 25% khi đáp ứng đủ những điều kiện đơn giản: Vay vốn trả góp ngày chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, vay vốn từ ngày 1/4/2020 trở về trước và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 3/4/2020 đến ngày 30/6/2020.

Thay vì triển khai các chính sách giảm lãi suất cho khách hàng vay mới, Kienlongbank tập trung giảm lãi cho khách đang vay. Bởi trong hoàn cảnh cách ly xã hội, đóng cửa kinh doanh hàng loạt, không có cơ hội làm ăn… thì nhu cầu vay mới sẽ không khả quan. Vấn đề khách hàng đang cấp bách chính là giải quyết khó khăn trước mắt.

Bà Trần Tuấn Anh - Tổng giám đốc của Kienlongbank cho biết: “Đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày của Kienlongbank là những người có thu nhập thấp, vừa đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày như: bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ… Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay, họ thực sự gặp nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Khi những khách hàng đã gắn kết với Kienlongbank suốt 5, 10 năm, thậm chí 20, 25 năm đang gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, chúng tôi nhận thấy, không có lúc nào cấp thiết hơn lúc này, chúng tôi phải hành động!”.