Mặt bằng lãi suất mới sẽ ra sao khi ngân hàng lớn "ngó lơ"?

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Sau nhiều tháng sụt giảm, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm khi hoạt động kinh doanh đang "ấm" trở lại. Nhưng dường như đây chỉ là "cuộc chơi" của các ngân hàng nhỏ, bởi hiện nay các ngân hàng lớn gần như không có động thái tăng lãi suất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lãi suất huy động trung bình tại nhiều ngân hàng nhỏ có mức tăng 0,06% đối với cả 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng trong thời gian gần đây. Tuy vậy, việc điều chỉnh này chỉ xuất hiện cục bộ, mặt bằng lãi suất đến nay vẫn đang ở mức thấp nhất lịch sử.

Lãi suất huy động nhích tăng

Khảo sát của VnBusiness, từ đầu tháng 5 lãi suất huy động tại một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ ở một số kỳ hạn. Chẳng hạn, SHB áp dụng tiền gửi dưới 2 tỷ đồng trong kỳ hạn từ 1-3 tháng dao động từ 3,4 - 3,7%/năm thay vì mức 3,35 - 3,5%/năm như trước đó; tiền gửi kỳ hạn 6 - 9 tháng cũng nhích tăng từ mức 5 - 5,2%/năm lên thành 5,2 - 5,4%/năm.

PG Bank điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn tại nhiều kỳ hạn trong tháng 5. Đối với tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ, ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1 - 0,2 điểm % lãi suất tại các kỳ hạn từ 1 - 13 tháng. Theo đó, lãi suất ngân hàng sau điều chỉnh ghi nhận trong khoảng từ 3,9%/năm đến 6,4%/năm.

Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 1 - 3 tháng tăng đồng loạt 0,2 điểm%, niêm yết ở cùng mức 3,9%/năm. Lãi suất niêm yết tại hai kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cùng là 5,4%/năm, tăng 0,1 điểm % so với tháng trước. Tại kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cũng được ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1 điểm %, lần lượt là 5,9%/năm và 6%/năm.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 5 lãi suất huy động trung bình tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,02 - 0,03% đối với cả 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng.

Đáng nói, diễn biến tăng lãi suất huy động VND chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng có vốn hoá nhỏ (quy mô dưới 5.000 tỷ đồng), với mức tăng 0,06% ở cả 2 loại kỳ hạn.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng vốn hoá lớn có quy mô trên 5.000 tỷ đồng vẫn gần như không thay đổi, khi tăng 0,01% với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005% với kỳ hạn 6 tháng.

Lãi suất huy động đi lên được các chuyên gia nhìn nhận là diễn biến mang tính cục bộ, chủ yếu xuất hiện tại một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Thực tế ở nhóm các ngân hàng thương mại có gốc quốc doanh, thống kê của BVSC cho thấy, lãi suất tiếp tục duy trì mức lãi suất huy động của tháng trước đó.

Việc lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ tại các ngân hàng thương mại nhỏ và vừa có quy mô vốn trên dưới 5.000 tỷ đồng là diễn biến rất mới trên thị trường ngân hàng vào thời điểm đầu tháng 5/2021.

Trao đổi với VnBusiness, giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay Việt Nam triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng, cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi bình thường, vì thế nhu cầu vốn nhiều lên. Do vậy, thanh khoản ngân hàng không còn dư dả như thời điểm trước Tết.

“Những ngân hàng có quy mô nhỏ phải tính toán tăng lãi suất huy động, vì nếu tăng sớm thì ngân hàng sẽ thu hút được dòng vốn nhàn rỗi trên thị trường và chi phí bỏ ra sẽ thấp hơn.

Trong khi đó, ngân hàng có quy mô lớn tính cạnh tranh cao hơn, họ đã có sẵn tệp khách hàng cho riêng mình nên kể cả nếu lãi suất huy động của những ngân hàng này có thấp hơn 0,5% thì nguồn vốn huy động vẫn đảm bảo”, giám đốc này cho hay.

Sắp có “cuộc đua” tăng lãi suất?

Có thể thấy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 4 và duy trì xu hướng này cho đến nay. Trong tuần đầu tiên của tháng 5/2021, theo dữ liệu phân tích thị trường của BVSC, lãi suất liên ngân hàng của cả 3 kỳ hạn: qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đều đang vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm tới nay và cao hơn mức trung bình trong năm 2020 (dưới 1,15%). "Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2/2021 tới nay", BVSC đánh giá.

Cụ thể, mức tăng lần lượt được ghi nhận là 0,31%, 0,23% và 0,21% lên mức 1,21%, 1,35% và 1,41%/năm.

Báo cáo vừa được BVSC công bố cho thấy, lãi suất liên ngân hàng của cả 3 kỳ hạn nói trên đều đang vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm tới nay và cao hơn mức trung bình trong năm 2020 (dưới 1,15%). "Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2/2021 tới nay", BVSC đánh giá.

"Cầu vốn tăng mạnh trong khi mức tăng cung vốn lại thấp hơn, không đáp ứng nhu cầu, nhiều khả năng đã tạo áp lực lên diễn biến của lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, với các diễn biến phức tạp trở lại của dịch Covid-19 với làn sóng thứ 4 diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ sớm có diễn biến ổn định trở lại", BVSC nhìn nhận.

Nhận định về xu hướng lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, có hai yếu tố có thể làm lãi suất tăng trong thời gian sắp tới. Đó là, nếu tình hình kinh tế vẫn hồi phục tích cực, dịch bệnh được kiểm soát tốt và tất cả các thị trường bất động sản, thị trường vàng, chứng khoán đều phục hồi tốt thì nhu cầu vay vốn từ ngân hàng sẽ tăng cao, từ đó đẩy lãi suất huy động tăng lên để hút tiền vào, phục vụ nhu cầu cho vay.

Thêm vào đó, lạm phát tại thời điểm này có dấu hiệu rục rịch tăng, cho nên nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát mức dưới 4% thì lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp. Tức là có thể giữ được lãi suất thấp. Còn nếu tỷ lệ lạm phát tăng thì tới quý III, IV có thể là lãi suất sẽ tăng.