Năm 2020: Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14%, có phương án tăng vốn “Big 4”

Theo Trần Thúy/Bizlive.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm trên 50% vốn đã được thống nhất về chủ trương.

Đến cuối tháng 12/2019, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ước đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng. Nguồn: internet
Đến cuối tháng 12/2019, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ước đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng. Nguồn: internet

Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 sáng 2/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát bình quân được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng; kịp thời đáp ứng vốn cho các dự án giao thông, công trình, dự án trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với các lĩnh vực BOT, BT giao thông, tiêu dùng.

Theo đó, đến cuối tháng 12/2019, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ước đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hoạt động tín dụng đang phát sinh khó khăn, nhất là việc triển khai các chương trình tín dụng đặc thù tại địa phương, như: nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67/NĐ - CP có xu hướng gia tăng và đang ở mức cao (35%), phát sinh ở 25 tỉnh, thành phố ven biển; nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 47 nghìn tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại; các tổ chức tín dụng được chỉ định thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội chưa được bố trí nguồn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020; Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng chưa bố trí được nguồn vốn (giai đoạn tiếp sau năm 2019) để tiếp tục cho vay.

Giảm nợ xấu tổng thể xuống dưới 3%, thống nhất phương án tăng vốn "Big 4"

Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, Thống đốc cho biết, sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát năm 2020 bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Theo đó, năm 2020, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, sẽ thực hiện quyết liệt và hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mục quốc tế; đảm bảo hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ và ngân hàng trong giai đoạn sắp tới. Triển khai quyết liệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cũng theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã lên kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước trong năm 2020 và tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại đã được thống nhất về chủ trương. Năm nay dự kiến sẽ trình Quốc hội để tăng vốn cho Agribank.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán, đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả. Đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số.