Nâng cao chất lượng hoạt động định giá doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 3/2020

Hoạt động mua bán sáp nhập và cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi việc định giá các doanh nghiệp phải chính xác với phương pháp định giá phù hợp. Phân tích thực trạng hoạt động định giá các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng tại Việt Nam, từ đó bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Giới thiệu chung

Hệ thống Tiêu chuẩn định giá Việt Nam hiện nay gồm 12 tiêu chuẩn, đề cập tới các vấn đề cơ bản của định giá, bước đầu đưa ra tiêu chuẩn định giá đối với một số loại tài sản cụ thể. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn định giá cụ thể nào xác định giá trị doanh nghiệp (DN), bởi xét trên quan điểm định giá, DN là một loại tài sản đặc biệt.

Các DN tài chính – ngân hàng là một trong những loại hình DN gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện định giá, bởi đặc thù kinh doanh rủi ro với các sản phẩm dịch vụ chính của các DN này là sản phẩm tài chính đặc biệt nhạy cảm với các diễn biến kinh tế vĩ mô. Do đó, việc đặt ra các giả định đối với các DN tài chính – ngân hàng là không dễ dàng. Thêm vào đó, cấu trúc thị trường tài chính trong nước hiện vẫn chưa hoàn chỉnh và có nhiều bất ổn, khi hệ thống ngân hàng chiếm tới 96% tổng tài sản: 75% mức cung ứng vốn toàn hệ thống và các quy định pháp luật thay đổi liên tục, tác động khó lường tới hoạt động kinh doanh của các DN tài chính – ngân hàng, từ đó khiến cho các giả định và kết quả định giá không có nhiều ý nghĩa.  Bài viết mô tả thực trạng hoạt động định giá các DN trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng tại Việt Nam hiện nay và đưa ra một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động này.

2. Thực trạng hoạt động định giá các DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam

2.1. Cơ sở pháp lý cho hoạt động định giá DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, hoạt động định giá tài sản được kiểm soát chặt chẽ bởi Bộ Tài chính. Các cơ sở pháp lý quan trọng tác động tới hoạt động định giá DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam bao gồm: Luật Giá năm 2012, 13 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật chứng khoán năm 2013, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 và các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh các văn bản pháp luật, hoạt động định giá DN nói chung và định giá các DN tài chính – ngân hàng nói riêng tại Việt Nam còn bị tác động bởi các quy định pháp lý quốc tế về định giá như: Hội đồng Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế, Bộ Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế.

2.2. Mục đích của việc định giá các DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam

Ở Việt Nam, hoạt động định giá các DN tài chính – ngân hàng diễn ra mạnh mẽ kể từ khi thị trường chứng khoán hình thành vào năm 2000. Việc định giá các DN tài chính – ngân hàng được thực hiện thường xuyên và dễ dàng quan sát qua báo chí và diễn ra với các DN hoạt động trong các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư. Trong hơn 18 năm qua, hoạt động định giá các DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam được thực hiện cho 3 mục đích chủ yếu sau.

- Cổ phần hóa DN tài chính – Ngân hàng Nhà nước: Cổ phần hóa các DNNN là một trong số những nội dung quan trọng của tất cả các nhiệm kỳ Chính phủ tại Việt Nam. Chương trình cổ phần hóa bắt đầu được thí điểm từ năm 1991, 1992 và được đẩy mạnh từ năm 1996. Đến cuối năm 2016, đã có hơn 4.500 DNNN được cổ phần hóa trong tổng số gần 6.000 DN được sắp xếp, cổ phần hóa. Trong đó, số lượng DNNN đã niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán đạt khoảng 10 – 15% số lượng DN đã cổ phần hóa. Hiện nay, trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán tại Việt Nam có 17 DN tài chính – ngân hàng có nguồn gốc sở hữu nhà nước đang niêm yết, trong đó có 4 ngân hàng thương mại, 7 công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm, 6 công ty chứng khoán.

- Mua bán – sáp nhập: Hoạt động mua bán – sáp nhập trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ trong suốt hơn 16 năm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán. Trong lĩnh vực ngân hàng, các thương vụ mua bán sáp nhập diễn ra mạnh mẽ từ năm 2012 theo Đề án 254 “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015). Số lượng ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã giảm mạnh từ 37 ngân hàng năm 2011 xuống còn 28 ngân hàng cuối năm 2016. Một số thương vụ mua bán sáp nhập xảy ra bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước bao gồm 3 ngân hàng TMCP bị mua lại 0 đồng (VNCB, Ocean Bank, GP Bank) và 4 thương vụ sáp nhập tự nguyện (MHB sáp nhập vào BIDV, Ngân hàng TMCP Mekong sáp nhập vào Maritime Bank, Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Sacombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội sáp nhập với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng khác, các thương vụ mua bán sáp nhập cũng diễn ra thường xuyên. Chẳng hạn, ngày 23/11/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố Công ty Cổ phần (CTCP) Chứng khoán Hải Phòng hợp nhất với CTCP Chứng khoán Á Âu. Đây là thương vụ đầu tiên cho lộ trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán trong giai đoạn tiếp theo. Một số thương vụ sáp nhập đặc biệt khác xảy ra giữa 2 DN tài chính – ngân hàng không hoạt động trong cùng một ngành. Tháng 9/2013, Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Tây thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam; Tháng 3/2016, Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Quân Đội và hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.

- Cổ phần hóa và niêm yết các DN tài chính – ngân hàng tư nhân: Ngoài hai mục đích chính của việc định giá các DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam là cổ phần hóa DNNN và cho các thương vụ mua bán sáp nhập, việc định giá các DN tài chính – ngân hàng còn đóng vai trò quan trọng trong việc cổ phần hóa và niêm yết các DN tài chính – ngân hàng tư nhân. Hiện tại, trên thị trường chứng khoán niêm yết có 30 DN tài chính – ngân hàng tư nhân đang niêm yết, trong đó có 6 ngân hàng, 18 công ty chứng khoán, 5 công ty quản lý quỹ đầu tư.

Tại Việt Nam, hoạt động định giá tài sản được kiểm soát chặt chẽ bởi Bộ Tài chính. Các cơ sở pháp lý quan trọng tác động tới hoạt động định giá doanh nghiệp tài chính – ngân hàng tại Việt Nam gồm: Luật Giá năm 2012, 13 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Chứng khoán năm 2013, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 và các văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, hoạt động định giá các DN – tài chính ngân hàng còn được các công ty phân tích, tư vấn đầu tư thực hiện thường xuyên cho các mục đích tư vấn đầu tư, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh những báo cáo định giá, các công ty phân tích và tư vấn đầu tư thường xuyên cung cấp các báo cáo phân tích, cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh của các DN, tạo cơ sở dữ liệu thông tin quan trọng cho hoạt động định giá DN nói chung và các DN tài chính ngân hàng nói riêng.

2.3. Các phương pháp định giá được sử dụng để định giá các DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam

Khi định giá các DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam, ngoài việc căn cứ vào các đặc thù kinh doanh nói chung, các phương pháp định giá thích hợp để sử dụng trong định giá các DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam cần đảm bảo đơn giản, phổ biến và thường xuyên được sử dụng để định giá các DN tài chính – ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Theo đó, 4 phương pháp phổ biến và thích hợp nhất cho việc định giá các DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam bao gồm: P/B, P/E, chiết khấu dòng cổ tức, chiết khấu dòng tiền tự do.

- Phương pháp P/B: Chỉ số P/B được sử dụng rộng rãi trong phân tích định giá ngân hàng trên thế giới. Giá trị sổ sách của một ngân hàng thường được coi là một dấu hiệu tốt về giá trị nội tại của ngân hàng. Hiện nay, hầu hết các tài sản trên Bảng cân đối kế toán của ngân hàng đều là các tài sản tài chính, có thanh toán tốt và có giá trị gần với giá trị sổ sách. Chẳng hạn, các khoản chứng khoán kinh doanh và dư nợ tín dụng thường chiếm tỷ trọng lớn trong Bảng cân đối kế toán của một ngân hàng. Tính phù hợp của phương pháp P/B với các DN tài chính – ngân hàng khác, bao gồm cả DN bảo hiểm, công ty chứng khoán hay quỹ đầu tư cũng tương tự.

- Phương pháp P/E: Đây là phương pháp định giá phổ biến trên thế giới, thường được áp dụng để định giá DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ các DN tài chính – ngân hàng. Phương pháp P/E có nguyên tắc sử dụng đơn giản, trực quan, giúp so sánh mức độ đắt rẻ tương đối tại một những điểm nhất định của một DN so với các DN kinh doanh tương tự khác đang hoạt động trong cùng môi trường và niêm yết trong các thị trường tương đồng hoặc trong cùng một thị trường chứng khoán.  Đây cũng là một trong các phương pháp định giá DN được hình thành đầu tiên trên thế giới và sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực định giá chứng khoán. Phương pháp P/E sử dụng thích hợp nhất trong các thị trường hiệu quả cao, thể hiện ở thanh khoản và mức độ sôi động của các bên tham gia mua bán trên thị trường.

Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức: Mặc dù, phương pháp này bộc lộ nhiều bất cập khi định giá các DN tăng trưởng, nhưng có nhiều quan điểm cho rằng, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức có những nét phù hợp nhất định khi định giá các DN trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh của các DN tài chính – ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, nhạy cảm với các diễn biến kinh tế và sản phẩm kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm tài chính vô hình. Do đó, dòng tiền cũng đồng nhất với dòng sản phẩm, khiến cho việc ước tính dòng tiền cho chủ sở hữu trở nên khó khăn. Dòng tiền thực tế và khả thi nhất chính là dòng cổ tức, khiến cho phương pháp chiết khấu dòng cổ tức trở nên thích hợp trong việc định giá các DN tài chính – ngân hàng.

- Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của công ty: Phương pháp này thích hợp để định giá các DN có đòn bẩy kinh doanh lớn và cơ cấu kinh doanh đang chuyển dịch mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện tại, lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ, bởi các quy định pháp lý. Các quy định pháp luật mới về quản lý hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng liên tục được ban hành, có tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các DN tài chính – ngân hàng. Mặc dù vậy, việc ước tính dòng tiền vẫn gặp những khó khăn nhất định đến từ đặc điểm kinh doanh của các DN này.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động định giá các DN tài chính – ngân hàng tại Việt Nam

Thứ nhất, hướng tới áp dụng Các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) trong hạch toán kế toán. Trong số các chuẩn mực kế toán được sử dụng phổ biến trên thế giới, IFRS được coi là chuẩn mực hợp lý và tiến bộ nhất đối với việc hạch toán kế toán trong các DN tài chính - ngân hàng. Do đó, các DN tài chính – ngân hàng có thể nghiên cứu tính phù hợp của chuẩn mực kế toán này đối với đặc điểm hoạt động kinh doanh của đơn vị và tính phù hợp với các chuẩn mực kế toán trong nước hiện hành. Bên cạnh đó, các DN cần cung cấp thông tin bằng tiếng Anh, giúp cho các nhà đầu tư và nhà phân tích nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, phân tích và đưa vào cơ sở so sánh trong các nghiên cứu.

Thứ hai, niêm yết cổ phiếu trên các Sở Giao dịch Chứng khoán để thị trường tự định giá. Trong giai đoạn đầu phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), phần lớn các chủ DN cho rằng đưa cổ phiếu lên niêm yết trên TTCK sẽ kéo theo nhiều bất lợi đối với DN, từ các áp lực về công bố thông tin và minh bạch tài chính, tới các trở ngại trong vấn đề quản lý hành chính và quan hệ cổ đông.

Đến thời điểm hiện tại, khi các lợi ích to lớn của việc trở thành công ty đại chúng đã trở nên rõ ràng hơn, các DN đã coi việc cổ phần hóa và niêm yết trên TTCK như là một mục tiêu chiến lược trong định hướng phát triển. Việc trở thành công ty đại chúng khiến cho DN, có thể dễ tiếp cận các nhà đầu tư và ngân hàng, đồng thời nâng cao thanh khoản cho DN. Để niêm yết cổ phiếu trên các Sở Giao dịch Chứng khoán trong nước, DN cần đảm bảo đủ các điều kiện quy định cụ thể trong Luật Chứng khoán năm 2006 và các văn bản hướng dẫn.

Thứ ba, xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ, hệ thống quản trị nguồn lực hiện đại. Việc áp dụng các công nghệ quản trị nguồn lực hiện đại giúp cho DN có thể theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh một cách khoa học, quản lý các đơn vị kinh doanh hiệu quả từ xa và cập nhất được nhanh chóng, chính xác các diễn biến của các đơn vị kinh doanh; giúp cho nhà quản trị có thể nắm bắt chính xác các xu hướng đối với những sản phẩm của DN mình.

Việc xây dựng bộ máy kiếm soát nội bộ vững mạnh giúp cho DN đánh giá được tình hình hoạt động của DN và giám sát được việc vận hành của bộ máy. Để xây dựng bộ máy kiếm soát nội bộ và hệ thống kế toán hiện đại, DN có thể thuê các đối tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực phần mềm hệ thống. Hiện nay, trong nước và quốc tế cũng đã xuất hiện nhiều DN cung cấp dịch vụ này một cách hiệu quả với chi phí hợp lý.

Thứ tư, nhất quán hệ thống kế toán và sử dụng các báo cáo tài chính kiểm toán. Hiện nay, ngày càng nhiều DN nhận ra lợi ích của việc áp dụng thống nhất việc ghi chép kế toán theo một bộ sổ. Chẳng hạn, việc ghi chép theo một bộ sổ sẽ giúp giảm thiểu chi phí và thời gian, bởi trong một số trường hợp, tác dụng mang lại từ việc tiết kiệm được thời gian và các chi phí này lớn hơn rất nhiều so với lợi ích thu được từ việc sử dụng nhiều hệ thống sổ sách kế toán cho các mục đích kinh tế khác nhau. Ngoài ra, việc DN minh bạch sổ sách kế toán với cơ quan quản lý thuế và công khai thông tin tài chính với thị trường sẽ giúp mang lại danh tiếng và uy tín đối với các nhà đầu tư, khách hàng và đối tác, từ đó dẫn tới hiệu quả trong kết quả kinh doanh.

Cùng với đó, các DN nên sử dụng dịch vụ kiếm toán từ các công ty kiếm toán độc lập. Mặc dù, tốn kém chi phí không nhỏ, nhưng các công ty kiểm toán sẽ phát hiện ra những sai lỗi trong việc ghi chép kế toán của công ty, từ đó tư vấn để việc ghi chép kế toán phản ánh đúng hơn bản chất các hoạt động kinh doanh của DN. Đối với các DN có quy mô hoạt động lớn và kinh doanh trên nhiều ngành nghề phức tạp, có thể sử dụng dịch vụ kiểm toán của các công ty trong nhóm Big4 (E&Y, KPMG, Deloitte, PwC). Đối với các DN có quy mô nhỏ hơn hoặc hoạt động kinh doanh đơn giản hơn, có thể sử dụng dịch vụ của các công ty kiểm toán nhỏ hơn.

Thứ năm, gia tăng lượng cổ phiếu tự do lưu hành trên thị trường để thúc đẩy thanh khoản của cổ phiếu. Các DN cần hướng tới các chuẩn mực quản trị quốc tế và định hướng trở thành một công ty đại chúng thực sự để đảm bảo phát triển bền vững, mang lại cả lợi ích cho cổ đông, khách hàng và thị trường. Việc gia tăng số lượng cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường giúp DN có thể nâng cao tính thanh khoản, thu hút nhà đầu tư tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần.

Để tăng thêm lượng cổ phiếu lưu hành tự do, DN cần niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên TTCK và không tạo ra bất cứ rào cản nào trong việc giao dịch cổ phiếu của các cổ đông. Ngoài ra, DN nên gia tăng số lượng cổ đông trước khi lên sàn, thông qua việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Việc DN nỗ lực gia tăng thanh khoản trên TTCK sẽ giúp quá trình định giá trở nên thuận lợi hơn, khi giá trị thị trường của DN phản ánh chính xác hơn giá trị thực và triển vọng kinh doanh của công ty.

4. Kết luận

Hoạt động định giá DN đóng vai trò quan trọng trong quá trình cổ phần hóa DNNN, trong các hoạt động mua bán sáp nhập và hoạt động đầu tư trên TTCK. Mỗi loại hình DN khác nhau có thể phù hợp với một phương pháp định giá DN khác nhau. Trong số đó, các DN tài chính – ngân hàng là một trong những loại hình DN gặp nhiều khó khăn nhất khi định giá.

Quá trình định giá cũng cho thấy, phương pháp P/B tương đối phù hợp khi định giá DN tài chính ngân hàng, trong khi phương pháp chiết khấu dòng tiền rủi ro thể hiện nhiều bất cập và cần điều chỉnh nhiều tham số khi định giá, khiến cho kết quả định giá có thể xuất hiện nhiều sai số. Do đó, bài viết đề xuất một số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động định giá các DN tài chính – ngân hàng và mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo. Chẳng hạn như: nghiên cứu việc phân tách dòng tiền của các DN tài chính – ngân hàng, tiến tới đề xuất giải pháp cơ cấu DN tài chính – ngân hàng cho các cơ quan quản lý.        

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Trọng Cơ, Nghiêm Thị Hà (2015), Giáo trình phân tích tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính, Hà Nội;

Phan Diên Vỹ (2014), Định giá tài sản trong hoạt động ngân hàng
- Thực trạng và giải pháp;

Võ Trí Thành và Lê Xuân Sang (2012), Tái cấu trúc hệ thống tài chính Việt Nam: Vấn đề và định hướng những giải pháp cơ bản, Hà Nội;

Trần Văn Dũng (2005), Hoàn thiện công tác định giá doanh nghiệp tại Việt Nam;

Triệu Minh Hạnh (2009), Định giá doanh nghiệp nhà nước và thực trạng áp dụng tại Việt Nam.