Nâng cao chất lượng hoạt động sáp nhập của các ngân hàng Việt Nam
Việc bị mất khả năng thanh toán, kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài hoặc có tỷ lệ nợ xấu cao… không chỉ tác động đến khả năng hoạt động của ngân hàng thương mại mà còn tác động tới toàn hệ thống, khi đó, việc mua bán, sáp nhập ngân hàng sẽ được xem xét đến.
Khảo sát cho thấy, thời gian qua, hoạt động sáp nhập ngân hàng Việt Nam diễn ra khá sôi động. Bài viết trao đổi về hoạt động sáp nhập của các ngân hàng Việt Nam, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các thương vụ sáp nhập ngân hàng trong thời gian tới…
Thực trạng hoạt động sáp nhập của các ngân hàng Việt Nam
Ưu điểm và nhược điểm của hoạt động sáp nhập
Sáp nhập ngân hàng là một trong những hoạt động bình thường trên thị trường tài chính ngân hàng. Thông thường, việc sáp nhập được tính đến khi một ngân hàng bị mất khả năng thanh toán, kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài hoặc có quá nhiều nợ xấu gây ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động. Ngân hàng nhận sáp nhập thường là một ngân hàng lớn mạnh, tình hình tài chính tốt, hoạt động ổn định để có khả năng phục hồi ngân hàng yếu kém hơn.
Sáp nhập ở đây không chỉ đơn thuần là phép cộng giá trị của hai hay nhiều ngân hàng với nhau. Nếu biết cách tận dụng được các ưu điểm thì giá trị sau sáp nhập sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần phép cộng số học.
Khi thực hiện sáp nhập là cơ hội tăng quy mô, mở rộng thị trường một cách nhanh chóng từ thị phần của ngân hàng bị sáp nhập. Từ đó, tạo ra khả năng cung ứng vốn cho những dự án lớn, đồng thời, cắt giảm chi phí những chi nhánh có cùng địa bàn mà vẫn giữ nguyên thị phần trong khu vực đó giúp tối đa hóa lợi nhuận.
Sau sáp nhập kế thừa thế mạnh của hai ngân hàng trước đó tạo nên những sản phẩm hoàn thiện và đa dạng hơn, không những làm tăng sự gắn bó của khách hàng mà còn tăng thu nhập cho ngân hàng. Việc sáp nhập còn tạo ra đội ngũ nhân sự lớn, từ đó có thể tinh lọc bộ máy nhân sự mới đạt chất lượng hơn.
Bên cạnh những ưu điểm trên thì việc sáp nhập ngân hàng yếu kém vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau: Rủi ro về tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và đáng lo nhất là nợ xấu. Nếu không xử lý một cách hợp lý, thì những gánh nặng này có thể tạo nên một ngân hàng "không khỏe mạnh" với quy mô lớn hơn. Ngoài ra, việc xáo trộn bộ máy hoạt động và văn hóa doanh nghiệp (DN) cũng gây khó khăn trong quản lý điều hành. Một số cán bộ chủ chốt rời đi, những người ở lại thì không yên tâm để làm việc.
Lợi ích của cổ đông cũng là một vấn đề gây cản trở đối với hoạt động này. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu giảm khiến ý kiến của cổ đông nhỏ dễ bị bỏ qua. Không ngoại lệ, những cổ đông lớn cũng dễ gặp các mâu thuẫn khi lợi ích của mình bị giảm. Mặt khác, lợi ích nhóm của những cổ đông lớn có thể làm xáo trộn bộ máy điều hành, tranh giành vị thế cũng sẽ gây hoang mang cho cổ đông nhỏ, khách hàng của ngân hàng.
Chất lượng các thương vụ sáp nhập ngân hàng Việt Nam
Hiện nay, hoạt động sáp nhập ngân hàng đang được coi là một giải pháp cấp thiết đối với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính chất ngắn hạn để giải quyết vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo. Trong dài hạn, các ngân hàng thương mại (NHTM) buộc phải tự tái cấu trúc để có thể giữ được vị thế trên trường quốc tế.
Thực tế, các ngân hàng lớn đang gặp không ít khó khăn khi nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ. Họ chuẩn bị đi qua thời kỳ khó khăn, bước vào vùng tăng trưởng mới và không muốn bị níu kéo bởi khoảng thời gian có thể mất mát cho việc hợp nhất với một ngân hàng nhỏ hơn. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn không thể đứng ngoài công cuộc tái cơ cấu, giữa 2 lựa chọn một bên là ngân hàng yếu kém và bên kia là các ngân hàng lớn.
Để khích lệ các ngân hàng lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục đưa ra các cam kết, sau khi thực hiện sáp nhập các ngân hàng nhận sáp nhập không bị ảnh hưởng xấu, đồng thời, đưa ra cơ chế chính sách, đảm bảo để các ngân hàng không bị thua thiệt. Thậm chí, NHNN còn cho rằng, sáp nhập sẽ giúp các ngân hàng lớn mở rộng mạng lưới khi mà mỗi ngân hàng nhỏ đều có khá nhiều chi nhánh, phòng giao dịch. Đối với ngân hàng, phải xác định giá trị tài sản của cả 2 bên trước khi đưa ra một tỷ lệ hoán đổi thích hợp. Nếu việc xác định giá trị tài sản chỉ tiến hành với một bên, lỡ có thất thoát vốn nhà nước, ai chịu trách nhiệm? Đáp án cho những câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời.
Việc sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn cũng gặp phải những khó khăn về sắp xếp vị trí làm việc cho người lao động. Giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch; trưởng phó ban các phòng ban, giám đốc các công ty con, trung tâm thẻ... của ngân hàng bị sáp nhập chắc chắn sẽ không còn ở vị trí cũ. Địa điểm giao dịch trên cùng một địa bàn của ngân hàng nhỏ sẽ hợp nhất với chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng nhận sáp nhập. Lúc này việc bố trí lại lao động cho phù hợp với nhu cầu công việc của ngân hàng lớn tất yếu diễn ra. Liệu người lao động ở ngân hàng nhỏ và thu nhập của họ sẽ biến động thế nào?
Một vấn đề nữa là khi sáp nhập, sự tương thích của hệ thống công nghệ 2 bên. Hầu hết các ngân hàng đều đã đầu tư core banking (ngân hàng lõi) với quy trình riêng, mục tiêu khách hàng riêng cũng như định hướng phát triển riêng. Hợp nhất rồi, hệ thống công nghệ của ngân hàng nhỏ sử dụng thế nào, hay bỏ đi? Sự lãng phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công nghệ không thể tìm lại được…
Kết quả hoạt động của một số ngân hàng sau khi sáp nhập
Trong thời gian trên thị trường đã diễn ra một số thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng. Tiêu biểu có thể kể tới:
- Sáp nhập Habubank vào SHB vào cuối năm 2011. Tại thời điểm sáp nhập nợ xấu của Habubank là 3.729 tỷ đồng, chiếm 23,66% tổng dư nợ và sau khi sáp nhập, nợ xấu của SHB là 8,69%. Tính đến hết quý III/2018, nhờ sự nỗ lực xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của SHB đến chỉ ở mức 2,297%.
Năm 2012, với vốn sở hữu chéo ngân hàng Sacombank và Eximbank đã ký kết thỏa thuận chiến lược toàn diện. Một thời gian sau, Southern Bank sáp nhập vào Sacombank. Sau đó, Eximbank bán toàn bộ phần vốn trên 8% tại Sacombank. Sau khi sáp nhập với Southern Bank, Sacombank phải "gồng mình" gánh các khoản nợ khổng lồ. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sacombank đã thu hồi 3.600 tỷ đồng nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank cuối năm 2017 là 4,28%, hiện giảm còn 3,3% và dự kiến giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Sacombank đạt gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 54,2% kế hoạch năm. Một thực tế cho thấy, trong báo cáo tài chính được Sacombank công khai mới đây trước đại hội cổ đông thường niên 2017, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của Sacombank bình quân mỗi năm là 12,4% trong giai đoạn từ 2011-2015, nếu không sáp nhập với Southern Bank thì chỉ cần không tới 3 năm là Sacombank có thể đạt quy mô bằng quy mô hiện tại của Sacombank và Southern Bank cộng lại.
- Sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua Công ty tài chính SGVF từ Ngân hàng Société Générale (Pháp), liên doanh với đối tác Nhật Bản để hình thành HD Saison ngày nay. Sau sáp nhập, HDBank đã nhanh chóng bắt nhịp và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Với mức vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng ban đầu, đến nay, vốn điều lệ HDBank đạt trên 9.800 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế là 2.063 tỷ đồng.
- Tại BIDV, sau sáp nhập với MHB cuối năm 2015, vốn điều lệ BIDV tăng từ 28.112 lên 31.481 tỷ đồng; tổng tài sản từ 655.000 lên 695.000 tỷ đồng. Mạng lưới giao dịch từ 760 lên gần 1.000 điểm, với gần 24.000 cán bộ, nhân viên. Đây được xem là thương vụ thành công nhất, bởi cả hai ngân hàng đều do Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 của BIDV đạt 7.709 tỷ đồng, giảm 2,5%; trong khi giai đoạn 2012 - 2016, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 15,5%/năm.
Trong bối cảnh, tốc độ tăng trưởng giảm trong khi số lượng nhân viên tăng cao, đại diện BIDV lý giải, việc tiếp quản các khoản vay từ MHB là nguyên nhân làm giảm đà tăng trưởng. Đồng thời, quá trình tiếp nhận khoảng 3.760 nhân viên từ MHB trong khi việc mở rộng phát triển hệ thống không phát triển kịp đã làm giảm năng suất lao động một cách đáng kể.
- Tại Maritime Bank, năm 2015 sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) và tiếp quản Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam. Khi đó, lãnh đạo Maritime Bank cho hay, vốn điều lệ của Ngân hàng tăng từ 8.000 lên 11.750 tỷ đồng, tổng tài sản vượt 111 nghìn tỷ đồng cùng vốn chủ sở hữu 14 nghìn tỷ đồng.
MDB được kỳ vọng giúp Maritime Bank tạo vị thế cạnh tranh trong phân khúc khách hàng nhỏ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, sau sáp nhập, tổng tài sản của Maritime Bank có phần sụt giảm, cơ cấu tài sản cho thấy, hoạt động ngân hàng phụ thuộc phần lớn vào chứng khoán đầu tư thay vì kinh doanh cốt lõi là cho vay.
Bên cạnh đó, tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng (TCTD) có phần lấn át so với cho vay khách hàng. Những điều này rất khác so với các ngân hàng cùng quy mô trên thị trường. Số dư chứng khoán đầu tư của Maritime Bank chiếm tỷ lệ bình quân 39% tổng tài sản từ năm 2013 đến quý I/2018. Thời điểm sau sáp nhập, năm 2015, con số này lên đến 47%. Trong khi đó, cho vay khách hàng chỉ chiếm bình quân 28% tổng tài sản, thời điểm cao nhất cũng chỉ khoảng 33% vào cuối 2017.
Mặt khác, trong khi các ngân hàng lần lượt niêm yết và bứt tốc lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong khoảng 2 năm gần đây thì Maritime Bank chưa thể lên sàn trong năm 2018, lợi nhuận chỉ xoay quanh hơn trăm tỷ đồng. Mặc dù, quý I/2018, Maritime Bank lãi ròng trên 230 tỷ đồng nhưng kế hoạch lãnh đạo đặt ra khá dè dặt với khoảng 194 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (bao gồm thu hồi nợ đã sử dụng dự phòng). Lợi nhuận quý I/2018 cao trong khi kế hoạch năm thấp là do 2018 là nền tảng để Maritime Bank thực hiện các thủ tục niêm yết, do đó cần nguồn lực đầu tư vào hệ thống, phát triển mạng lưới mới tại khắp các tỉnh thành cả nước. Maritime Bank tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro…
Sự thành công của mỗi thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng lành mạnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trên hết là lợi ích tạo ra cho 2 chủ thể sáp nhập, cho nền kinh tế, cho xã hội. Nếu muốn hình thành nên những ngân hàng tầm cỡ ngang tầm khu vực, sáp nhập chỉ để đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề trước mắt, liệu đã thật sự hợp lý? Hiệu quả chính sách, cơ chế chỉ đạt được mức tối đa khi áp dụng đúng đối tượng, thời điểm, mức độ. Sáp nhập ngân hàng cần có lộ trình cụ thể, phù hợp với thực tiễn và đặc biệt là phải có “ chất lượng”.
Nâng cao chất lượng hoạt động sáp nhập của các ngân hàng Việt Nam
Thực tiễn cho thấy, các ngân hàng Việt Nam không quá "mặn mà" với hoạt động sáp nhập. Trong quá khứ, hoạt động sáp nhập được đẩy mạnh do ở thời điểm đó có một số ngân hàng yếu kém, buộc phải sáp nhập với những ngân hàng mạnh hơn mới có thể tồn tại. Vì vậy, khi hệ thống ngân hàng dần trở nên lành mạnh hơn trước, thì những ứng viên để sáp nhập theo đó cũng sẽ giảm bớt và khiến hoạt động sáp nhập phần nào bớt sôi động hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, năm 2019, hoạt động sáp nhập ngân hàng có thể sẽ bước vào một giai đoạn mới, vì đến cuối năm 2020 theo quy định thì các ngân hàng phải đảm bảo mức vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng theo chuẩn mực vốn Basel II.
Như vậy, nếu trường hợp những ngân hàng nhỏ không có khả năng đáp ứng được yêu cầu rất có thể sẽ phải tính tới phương án sáp nhập. Hơn nữa, hiện nay, số lượng ngân hàng tại Việt Nam còn quá nhiều; việc rút gọn số lượng ngân hàng là điều cần thiết, do vậy, dự báo năm 2019 sáp nhập có thể sẽ sôi động hơn và cần có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng sáp nhập của các ngân hàng Việt Nam, cụ thể như:
Thứ nhất, việc thay thế các chủ sở hữu cũ bằng các chủ sở hữu mới của mỗi NHTM cổ phần thông qua sáp nhập cần được tiến hành một cách thận trọng, đúng người, đúng việc theo một quy trình chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch và được giám sát liên tục bởi các cơ quan chức năng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thao túng, thôn tính, chiếm đoạt bất hợp pháp, trục lợi và lợi ích nhóm xâm phạm lợi ích của toàn xã hội.
Những hạn chế trong hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính, đến phát triển kinh tế, mà còn tạo ra bất ổn xã hội, do mỗi NHTM cổ phần có quy mô vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng, quy mô tài sản từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng hoặc hơn nữa với số lượng khách hàng có thể lên tới hàng chục nghìn người, hàng nghìn doanh nghiệp trên khắp cả nước và cả ở nước ngoài.
Thứ hai, cần định giá tài sản của ngân hàng bị sáp nhập một cách minh bạch, công khai. Hiện tượng phổ biến là phóng đại các nghĩa vụ, khó khăn, tài sản nợ, nợ xấu của NHTM, đồng thời đánh giá thấp các khả năng, cơ hội, tài sản của NHTM, thậm chí tung tin đồn thất thiệt làm mất uy tín của NHTM, của chủ sở hữu hiện hữu... để dễ bề thôn tính ngân hàng.
Thứ ba, cần có cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các ngân hàng gần như quốc doanh. Ngân hàng cho vay để hỗ trợ trong vấn đề thanh khoản, nhưng trên thực tế đến khi quá hạn, ngân hàng vay không trả được cả vốn lẫn lãi. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cơ quan quản lý đề nghị, bên cho vay miễn lãi khoản vay, chỉ nhận lại phần gốc. Ngân hàng đồng ý với điều kiện cơ quan quản lý ban hành văn bản chỉ đạo để họ có chứng từ trình với Kiểm toán Nhà nước khi Kiểm toán Nhà nước vào làm việc mỗi năm. Quy định quản lý tài chính nhà nước rõ ràng, ngân hàng cho vay không thể làm trái.
Thứ tư, việc sáp nhập đòi hỏi phải thực chất, tránh sáp nhập bằng tiền ảo, vốn ảo hay việc một nhóm người, thậm chí một vài cá nhân tiến hành sáp nhập NHTM quy mô hàng nghìn tỷ đồng, song thực tế tiềm lực tài chính rất hạn chế và số vốn thực dành để mua bán, sáp nhập ngân hàng thấp xa so với báo cáo công khai.
Hậu quả tất yếu của những vụ mua bán, sáp nhập tiền "ảo" là những vấn đề yếu kém của NHTM bị mua bán, sáp nhập không những không được xử lý mà còn phát sinh thêm những vấn đề phức tạp mới do “ông chủ” mới của NHTM không những không có thực lực mà thậm chí còn âm mưu rút ruột nốt phần tài sản còn lại của NHTM.
Thứ năm, cần công bố công khai, minh bạch tài chính của các ngân hàng sau sáp nhập. Những thủ đoạn tài chính mờ ám sẽ bị phát giác và sớm lộ tẩy nếu cơ quan chức năng kiểm soát dòng tiền một cách chặt chẽ và hiệu quả trong môi trường tài chính, tiền tệ công khai, minh bạch và hệ thống thông tin thị trường thông suốt, đầy đủ. Bên cạnh đó, công bố công khai, minh bạch tài chính và kiểm soát dòng tiền còn hỗ trợ tích cực cho hoạt động chống rửa tiền và chống tham nhũng.
Thứ sáu, cần thực hiện kiểm toán độc lập đánh giá tài sản của NHTM trước khi thực hiện hoạt động sáp nhập đi đôi với công bố công khai, minh bạch tài chính với cơ chế, quy trình bảo đảm tính cạnh tranh, chống tình trạng độc quyền, chống chỉ định trong lựa chọn những người chủ mới của NHTM sau khi thực hiện sáp nhập.
Thứ bảy, sáp nhập ngân hàng thực sự có hiệu quả khi có nguồn vốn mới đổ vào để tháo gỡ được khó khăn của các ngân hàng hiện nay. Sẽ không đạt được hiệu quả đề ra nếu như ngân hàng mới sau sáp nhập tuyên bố tăng vốn nhưng không hề có thêm một đồng vốn mới nào ngoài việc gộp cơ học số vốn trên giấy tờ của các ngân hàng. Cần phải khuyến khích các TCTD nước ngoài góp vốn, mua cổ phần các NHTM đang trong tình trạng năng lực yếu kém để tăng vốn thực sự của các ngân hàng này lên.
Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của các NHTM. Kết quả xử lý nợ xấu của các ngân hàng đạt được đến nay tiếp tục ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này cũng thể hiện các giải pháp xử lý nợ xấu được ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt và có hiệu quả.
Tuy nhiên, những cố gắng của ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ bởi vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cần được đẩy mạnh hơn nữa để thực sự trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, DN và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo hoạt động kinh doanh của Sacombank, BIDV, MB, SCB, HDBank sau sáp nhập;
- Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng với chủ đề: Toàn cảnh ngân hàng 2018 – Hướng đến phát triển bền vững, Hà Nội, tháng 5/ 2018;
- Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020";
- Ngân hàng Nhà nước (2017), Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42) và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD;
- https://vnexpress.net/sap-nhap-ngan-hang/tag-116523-1.html. Cập nhật, ngày 1/12/2018.