Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng Bidv chi nhánh Thái Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2019

Trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu quan trọng đặt ra đối với các doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng là nâng cao năng lực cạnh tranh. Để giải quyết được vấn đề này, đòi hỏi bản thân mỗi ngân hàng phải có sự thay đổi, tạo được hình ảnh và vị thế cho mình. Bài viết khái quát một số khái niệm về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh và qua đánh giá thực tiễn năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên (BIDV Thái Nguyên), từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho BIDV Thái Nguyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khái niệm năng lực cạnh tranh (NLCT) của doanh nghiệp (DN) được hiểu là sự tích hợp các nguồn nội lực và ngoại lực để duy trì và phát triển thị phần, lợi nhuận thông qua việc định vị lợi thế cạnh tranh của DN so với các đối thủ trên một thị trường mục tiêu xác định. 

NLCT của ngân hàng thương mại (NHTM) là khả năng tạo ra và sử dụng có hiệu quả các lợi thế so sánh, để giành thắng lợi với các NHTM khác, là nỗ lực hoạt động đồng bộ của ngân hàng trong một lĩnh vực khi cung ứng cho khách hàng những dịch vụ có chất lượng cao, chi phí rẻ nhằm khẳng định vị trí của ngân hàng vượt lên khỏi các ngân hàng khác trong cùng lĩnh vực hoạt động ấy. Khi đánh giá năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại các nhà kinh tế học thường nghiên cứu các chỉ tiêu sau: Năng lực tài chính; Về tổng tài sản; Khả năng huy động vốn; Tính đa dạng của sản phẩm dịch vụ; Năng lực quản trị và điều hành; Trình độ khoa học công nghệ; Danh tiếng, uy tín và khả năng hợp tác.

Thực trạng hoạt động và năng lực cạnh tranh của BIDV Thái Nguyên

BIDV Thái Nguyên được thành lập ngày 27/5/1957, là 1 trong 11 chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết đầu tiên của cả nước. Hiện nay, ngoài trụ sở chính, Chi nhánh có 8 phòng giao dịch, 15 máy ATM và gần 200 máy POS. Không chỉ mở rộng quy mô hoạt động, BIDV Thái Nguyên còn đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ với 155 cán bộ, trong đó có trên 25% cán bộ đạt trình độ thạc sỹ.

Hoạt động kinh doanh

Về huy động vốn

Xác định rõ vai trò vô cùng quan trọng của công tác huy động vốn, trong những năm gần đây, BIDV Thái Nguyên đã không ngừng mở rộng hoạt động này, coi đây là nghiệp vụ quan trọng hàng đầu để có thể đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Việc đa dạng hóa các hoạt động huy động vốn, lãi suất, quảng bá tiếp thị thường xuyên… đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho BIDV Thái Nguyên.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng Bidv chi nhánh Thái Nguyên - Ảnh 1

Tình hình sử dụng vốn

Dư nợ của Chi nhánh tăng đều qua các năm; kỳ hạn nợ, dư nợ ngắn hạn luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dư nợ. Dư nợ ngắn hạn không có sự biến động nhiều. Dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng 23%. Tuy nhiên, huy động vốn trên 12 tháng của ngân hàng chiếm khoảng 14% nên sẽ có thời điểm sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Vì vậy, cơ cấu vốn cho vay của ngân hàng chưa thực sự hợp lý.

Theo đối tượng khách hàng, dư nợ cho vay DN và các tổ chức kinh tế luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ. Dư nợ đối tượng DN và các tổ chức kinh tế không có biến động lớn cho thấy, Ngân hàng đã tạo dựng được lòng tin đối với khách hàng lớn, có chính sách tín dụng hợp lý và duy trì được mối quan hệ kinh tế lâu dài với khách hàng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng dư nợ không nhiều đòi hỏi ngân hàng phải có chính sách thu hút được các đối tượng khách hàng mới.

Về lĩnh vực cho vay, dư nợ trong ngành Công nghiệp chiếm chủ yếu trong tổng dư nợ (trên 60%). Do hoạt động trên địa bàn có nhiều nhà máy, xí nghiệp như khu công nghiệp Gang Thép, khu công nghiệp Sông Công… nên vốn cho vay của Ngân hàng tập trung trọng điểm vào lĩnh vực này. Qua nghiên cứu cho thấy, Ngân hàng đã cung ứng tốt về vốn cho các DN trên địa bàn để tạo ra mức tăng trưởng đều đặn hàng năm.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực trong việc huy động vốn và sử dụng vốn, thực tiễn nghiên cứu này cho thấy, trong hoạt động của BIDV Thái Nguyên cũng còn một số vấn đề cần lưu ý sau:

Thứ nhất, sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng. BIDV Thái Nguyên có số lượng sản phẩm dịch vụ ở mức trung bình so với các ngân hàng khác trên địa bàn (44 sản phẩm). Các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng DN và khách hàng cá nhân tương đương với một số ngân hàng khác như: Vietinbank (47), Vietcombank (49), Techcombank (44). Mức độ đa dạng sản phẩm, dịch vụ còn cách xa so với Agribank (68), Sacombank (67). Tuy nhiên, do là một ngân hàng đã có quá trình phát triển lâu dài nên độ phong phú của sản phẩm dịch vụ vẫn hơn nhiều ngân hàng mới thành lập trên địa bàn như: MB (33), Maritime Bank (30)… BIDV Thái Nguyên có số lượng sản phẩm tín dụng cá nhân thuộc nhóm trung bình trên địa bàn và chưa thực sự phong phú, đa dạng.

Xét về sản phẩm thẻ, BIDV Thái Nguyên có số lượng thẻ hạn chế với 5 sản phẩm (bằng với Agribank và Vietinbank), tuy nhiên, các ngân hàng mới thành lập trên địa bàn lại có số lượng sản phẩm thẻ vượt trội: Tecombank (11), Sacombank (22).

Thứ hai, công tác truyền thông Ngân hàng chưa thực sự hiệu quả. Chính sách marketing của Ngân hàng được thực hiện chung chung mà không hướng đến đối tượng khách hàng cụ thể. Qua phân tích điều tra cho thấy, chỉ có 13% khách hàng biết đến BIDV Thái Nguyên qua phương tiện truyền thông, 16% qua mạng internet và 8% qua biển quảng cáo, tờ rơi, còn lại chủ yếu thông qua các mối quan hệ quen biết, các khách hàng lâu năm hoặc các điểm giao dịch của ngân hàng. Điều này cho thấy, việc quảng bá hình ảnh của ngân hàng qua các phương tiện thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, về chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều cán bộ trẻ của Ngân hàng tuy được đào tạo bài bản nhưng khả năng vận dụng để xử lý tình huống thực tế còn yếu; còn nặng về lý thuyết, yếu về thực hành. Điều này dẫn đến giảm tiến độ, chất lượng công việc, phát sinh vấn đề với khách hàng, phải đào tạo lại nghiệp vụ… Bên cạnh đó, với một số cán bộ đã lớn tuổi thì khả năng cập nhật những thay đổi về công nghệ còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ cao trong xử lý nghiệp vụ còn nhiều bất cập, làm việc theo kinh nghiệm mà không vận dụng các phương pháp mới, nhất là ở cấp quản lý khiến cho công việc bị trì trệ, năng suất không cao.

Thứ tư, thủ tục giao dịch chưa nhanh chóng. Mặc dù trải qua một quá trình phát triển lâu dài nhưng thực tiễn có thấy, thủ tục giao dịch của BIDV Thái Nguyên vẫn còn hạn chế dẫn tới hiệu quả không cao. Trong việc gửi tiền và rút tiền, khách hàng vẫn phải ký nhận rất nhiều chứng từ. Điều này dẫn tới sự bất tiện trong giao dịch, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Đề xuất một số giải pháp

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian tới, BIDV Thái Nguyên cần tập trung vào một số nội dung sau:

Dư nợ của Chi nhánh tăng đều qua các năm; kỳ hạn nợ, dư nợ ngắn hạn luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dư nợ. Dư nợ ngắn hạn không có sự biến động nhiều. Dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng 23%. Tuy nhiên, huy động vốn trên 12 tháng của ngân hàng chiếm khoảng 14% nên sẽ có thời điểm sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Một là, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Theo đó, BIDV Thái Nguyên cần phát triển các dịch vụ tiền gửi, áp dụng lãi suất tiết kiệm thay đổi theo thị trường, lãi suất biến đổi cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn; Mở rộng các công cụ huy động mới như phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác. Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng các phương thức cho vay như: Cho vay tiêu dùng, cho vay trả góp, cho vay mua nhà, cho vay giáo dục, đồng tài trợ dự án;  Phát triển các nghiệp vụ tín dụng thấu chi, chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố giấy tờ có giá, cho thuê tài chính…; Phát triển hệ thống phát hành và thanh toán thẻ các loại, đa dạng hoá các loại thẻ phát hành như thẻ tín dụng, thẻ nội địa, thẻ ghi nợ; Phát triển các dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ ngân hàng tại nhà, ngân hàng qua điện thoại, ngân hàng ảo...

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. BIDV Thái Nguyên cần tăng cường nâng cao trình độ của các cán bộ giữ chuyên viên tín dụng, giao dịch viên;  tổ chức các buổi tập huấn về kỹ năng mềm cho các giao dịch viên về giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ… Mặt khác, có chế độ đãi ngộ hợp lý thông qua thu nhập, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, môi trường làm việc văn minh hiện đại…

Ba là, cần đẩy mạnh công tác truyền thông ngân hàng. Để nâng cao nhận thức về thương hiệu trong toàn thể đội ngũ cán bộ nhân viên, BIDV Thái Nguyên cần coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục tới toàn thể cán bộ nhân viên về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển thương hiệu của mình nhằm tạo ra ý thức thường trực của các cán bộ Chi nhánh về hình ảnh, uy tín của Chi nhánh và cụ thể là sản phẩm, dịch vụ mà BIDV Thái Nguyên đang cung ứng.

Việc quảng bá thương hiệu BIDV hiện nay chủ yếu mới quảng bá trên báo chí tài trợ các sự kiện văn hoá thể thao. Trong khi đó, hoạt động quảng bá ngoài trời, trên tivi chưa được chú trọng. Chính vì vậy, Chi nhánh BIDV Thái Nguyên cần năng động và sáng tạo hơn trong việc quảng bá thương hiệu, duy trì hoạt động tài trợ cho các sự kiện văn hoá thể thao trong địa bàn được xã hội quan tâm, ví dụ như giải bóng đá cấp tỉnh, quảng cáo trên các pa nô tại các cửa ngõ ra vào của tỉnh Thái Nguyên, hay các vị trí tập trung nhiều người đi lại và trao đổi buôn bán.

Bên cạnh đó, BIDV Thái Nguyên chủ động thực hiện nhiều chương trình tặng quà khuyến mãi cho khách hàng đến gửi tiền. Có thể là quà hiện vật như mũ bảo hiểm có logo BIDV, sách vở, bút, phiếu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thẻ học tiếng Anh; Triển khai các chương trình bốc thăm trúng thưởng… Các hoạt động này sẽ hấp dẫn khách hàng, khi các ngân hàng có sự cân bằng về mặt bằng lãi suất thì các hình thức khuyến mãi sẽ là một lợi thế cạnh tranh.

Bốn là, cải tiến thủ tục giao dịch. BIDV Thái Nguyên cần xây dựng các quy trình nghiệp vụ đầy đủ và nghiêm túc thực hiện để tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên (quy trình làm việc, những thao tác kỹ thuật cần thực hiện, những tình huống cần phải xử lý và cả những chuẩn mực đạo đức phải tuân thủ). Việc tập huấn, áp dụng các quy trình này phải được phổ biến đến toàn bộ nhân viên ngân hàng, kể cả các phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm để tạo sự đồng bộ cho toàn ngân hàng, xem đó là một cẩm nang hoạt động, một điều kiện để gia nhập vào đội ngũ ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy trình này để có những xử lý đúng đắn đối với các hành vi vi phạm hoặc có những điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi trong nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.            

Tài liệu tham khảo:

Đinh Văn Ân, Năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, NXB Giao thông vận tải;

Michael E.Porter, Chiến lược cạnh tranh, NXB Trẻ, Hà Nội;

Ngô Kim Thanh, Lê Văn Tâm, Quản trị chiến lược, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;

Đinh Thị Nga, Chính sách kinh tế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia;

Các báo cáo của ngân hàng BIDV Thái Nguyên.