Ngân hàng có thực sự muốn 'buông' dần công ty tài chính?

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Sau khi VPBank bán 49% cổ phần công ty tài chính cho đối tác Nhật Bản, nhiều ngân hàng khác cũng đang tìm cách rút bớt cổ phần của mình khỏi công ty tài chính ngay trong năm nay. Những dấu hiệu này cho thấy, dường như các ngân hàng đang muốn "buông" dần công ty tài chính?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lại đang tìm mua công ty tài chính tiêu dùng nhằm thâm nhập vào thị trường tiêu dùng ở thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân. Điều này khiến thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trên thị trường dự báo sẽ nhộn nhịp trong thời gian tới.

Nhiều thương vụ chuẩn bị chốt

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam đang có tất cả 16 công ty tài chính được cấp phép và đang hoạt động. Trong đó, có có 6 công ty là thành viên của ngân hàng thương mại, bao gồm: Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) của VPBank; Công ty tài chính TNHH HD Saison của HDBank; Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance); Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) của MB; Công ty tài chính bưu điện của SeABank và Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB.

Một thương vụ bán vốn tại công ty tài chính vừa diễn ra mới đây được xem là “mở màn” trong năm nay đó là VPBank vừa ký kết bán 49% vốn tại FE Credit cho Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF), công ty con của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC, Nhật Bản). Giá trị thương vụ lên tới 1,37 tỷ USD, đây là được xem là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Sau thương vụ "tỷ đô" của VPBank, nhiều thương vụ khác cũng chuẩn bị chốt. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của MSB mới đây, trả lời cổ đông về kế hoạch bán vốn tại FCCOM, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc cho hay, năm 2020, MSB ký kết hợp đồng bán 50% vốn FCCOM cho Hyundai Card. Toàn bộ quá trình chuyển đổi, đánh giá đã gần như kết thúc. 

Tuy nhiên, cuối năm 2020, do Covid-19, các cổ đông lớn của Hyundai lại chuyển hướng kinh doanh nên không hoàn thành thương vụ này, phía Hyundai cũng đã bồi thường một phần cho MSB. “MSB đang làm việc với một đối tác nước ngoài khác, hiện gần như đã kết thúc quá trình đàm phán để định giá”, ông Linh cho hay.

Trong khi đó, từ năm 2020, SHB đã trình cổ đông kế hoạch bán vốn tại SHB Finance. Mới đây, lãnh đạo ngân hàng cho biết đã lựa chọn được một số đối tác lớn và đang đàm phán để thoái vốn tại SHB Finance, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Bên cạnh một số ngân hàng có kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng, thì cũng có nhà băng muốn tham gia vào sân chơi này. Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, lãnh đạo TPBank cho hay, ngân hàng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đàm phán với đối tác để tham gia cơ cấu lại một công ty tài chính đang chịu kiểm soát đặc biệt.

Ngân hàng tính đường dài

Theo đánh giá của các chuyên gia, lâu nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Bởi thực tế, bất cứ một công ty tài chính tiêu dùng nào có ý định bán vốn hoặc chuyển nhượng, ngay lập tức nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và mong muốn được sở hữu.

Chẳng hạn, trước đó, Ngân hàng HDBank và Ngân hàng MB cũng đã bán 49% vốn cho đối tác Nhật Bản (Credit Saison và Shinsei Bank). Trong khi đó, Techcombank chuyển nhượng 100% vốn của công ty tài chính Techcom Finance cho Công ty Lotte Card (Hàn Quốc).

Sự “đắt hàng” đến từ tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn rất lớn, bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của người dân tương đối khả quan.

Trong khi đó, thủ tục cho vay tại các công ty tài chính tiêu dùng đơn giản, không tài sản bảo đảm phù hợp với người có thu nhập thấp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những năm gần đây khả năng sinh lời của các công ty tài chính tiêu dùng khá tốt. Năm 2019 là 15 - 25%, năm 2020, dù ảnh hưởng dịch bệnh, lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, song vẫn ở mức khá cao. Chẳng hạn, năm 2020 lợi nhuận của Mcredit đạt 320 tỷ đồng, tăng tới 77% so với năm 2019, còn FE Credit ghi nhận lợi nhuận 3.700 tỷ đồng năm 2020.

Dư địa lớn, khả năng sinh lời tốt vậy vì sao các ngân hàng lại muốn bán bớt vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng?

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, việc thoái vốn tại các công ty tài chính của các ngân hàng thực ra chỉ là bán bớt vốn nhằm tăng "sức mạnh" về tài chính và mở rộng quy mô, nhà băng vẫn nắm giữ phần lớn cổ phiếu để chi phối hoạt động.

Chẳng hạn, việc thoái vốn khỏi FCCOM được lãnh đạo MSB kỳ vọng sẽ mang lại khoản lợi nhuận tương đối lớn cho ngân hàng.

Còn SHB kỳ vọng việc chọn đối tác trên tinh thần mang lại lợi ích cho SHB, cổ đông. Trong đó, ưu tiên giá tốt nhưng vẫn phải lựa chọn nhà đầu tư có cùng chiến lược, đồng hành, hỗ trợ và bán chéo sản phẩm cho nhau để thúc đẩy phát triển trong ngắn hạn và chiến lược dài hạn.