Ngân hàng Nhà nước “kêu” hộ các dự án BOT

Theo Anh Phương/sggp.org.vn

Nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng, có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại, theo báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi đến các đại biểu Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 (khai mạc đầu tuần tới).

Các dự án BOT giao thông thường có mức đầu tư lớn, thời gian vay dài, mức vốn tự có yêu cầu thấp.
Các dự án BOT giao thông thường có mức đầu tư lớn, thời gian vay dài, mức vốn tự có yêu cầu thấp.

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để duy trì mức tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam cần tăng thêm đầu tư vào cơ sở hạ tầng khoảng 11-12% GDP. Điều này có nghĩa là nhu cầu vốn tín dụng cho xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm duy trì nhịp độ phát triển cao trong 5-10 năm tới tại Việt Nam là rất lớn, ước tính khoảng 100 tỷ USD. Tính riêng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 952.731 tỷ đồng (bao gồm cả vốn ODA, vốn ngân sách và huy động ngoài ngân sách).

Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông thường có mức đầu tư lớn, thời gian vay dài, mức vốn tự có yêu cầu thấp (10-15%), hầu hết các nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế. Trong khi đó, một số dự án chậm giải phóng mặt bằng thi công, hoàn tất thủ tục thu phí… dẫn đến chậm nguồn thu để trả nợ.

Nhiều dự án BOT trước đây dự kiến lộ trình tăng phí theo chu kỳ 3 năm/lần, song sau khi rà soát, đề xuất điều chỉnh, giá dịch vụ đều giảm trong suốt thời gian qua. Cộng với những rủi ro liên quan đến chất lượng công trình, sự phản đối của chủ phương tiện và người sử dụng dịch vụ đường bộ…, dự án phải kéo dài thời gian hoàn vốn, dẫn đến ngân hàng phải cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nêu 3 đề xuất quan trọng tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án; tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.

Trong một báo cáo khác từ Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Bộ này cũng cho biết, “rất trăn trở về BOT” và mong muốn người dân chia sẻ, bởi trên quốc lộ chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí kín chỉ áp dụng được với cao tốc) nên khó có thể đảm bảo công bằng tuyệt đối.