Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

Với Thông tư 22, Ngân hàng Nhà nước đã "nới" room tín dụng thêm 5% cho các ngân hàng thương mại cổ phần. Ước tính, một lượng tiền lớn vào khoảng 200.000 tỷ đồng sẽ được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

  Ngân hàng Nhà nước nới quy định trần tỷ lệ dư nợ tín dụng so với tổng tiền gửi. Nguồn: internet
Ngân hàng Nhà nước nới quy định trần tỷ lệ dư nợ tín dụng so với tổng tiền gửi. Nguồn: internet

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN thay thế Thông tư 36/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng. Hai điểm thay đổi chính, đó là giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn (từ mức 40% hiện tại xuống 30%) và tăng hệ số rủi ro của cho vay bất động sản tiêu dùng, từ mức 50% hiện tại lên đến mức trần tối đa là 150%. Thông tư 22/2019 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.

Thứ 2 là yêu cầu điều chỉnh tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay (LDR) so với tổng tiền gửi ở mức 85% với thời gian chuyển tiếp là 2 năm (trước ngày 1/1/2022).

Thực tế, Thông tư chính thức quy định bớt nghiêm ngặt hơn so với bản dự thảo. Cụ thể, với tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn: Trước đó, tại dự thảo Thông tư, NHNN đưa ra 2 phương án: Một là đến 30/6/2020: 40%, giai đoạn 1/7-30/6/2021: 35%, từ 1/7/2021 trở đi: 30%; hai là đến 30/6/2020: 40%, giai đoạn 1/7-30/6/2021: 37%, giai đoạn 1/7/2021-30/6/2022: 34%, từ 1/7/2022 trở đi: 30%. Tuy nhiên, sau đó khi Thông tư được ban hành, thời gian áp dụng mức 40% đã được lùi lại 3 tháng: Đến ngày 30/9/2020: 40%, giai đoạn 1/10/2020-30/9/2021: 37%, giai đoạn 1/10/2021 -30/9/2022: 34%, kể từ 1/10/2022 trở đi: 30%.

Về quy định LDR (Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi), SSI cho biết, hầu hết các ngân hàng niêm yết đều có tỷ lệ LDR (theo Thông tư 36) dưới 80%, không bao gồm BIDV với 86% tính đến tháng 09/2019.

Do đó, quy định mới nâng mức trần từ 80% trước đó lên 85% cho tất cả các ngân hàng sẽ có lợi cho các ngân hàng thương mại cổ phần. Đối với các ngân hàng quốc doanh, BIDV sẽ giảm tỷ lệ này xuống dưới 85% nhờ nguồn vốn mới tăng vào năm 2020.

Như vậy với quy định mới tại Thông tư 22, các ngân hàng thương mại nhà nước dù bị giảm mức trần từ 90% xuống 85% nhưng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, do cũng chưa sử dụng hết room. Còn với các ngân hàng thương mại cổ phần, đây sẽ là cơ hội lớn để có thể mở thêm tín dụng ra nền kinh tế.

Tính đến 4/10/2019, tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế ước đạt 7,85 triệu tỷ đồng. Với ước tính, tổng mức tín dụng của khối ngân hàng thương mại cổ phần đang chiếm khoảng 50% tổng tín dụng cung cấp ra toàn nền kinh tế, nếu khối này sử dụng hết 5% room tín dụng vừa được nới, thì sẽ có thêm khoảng 200 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế khi Thông tư 22 chính thức có hiệu lực.