Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới room tín dụng, "bank" nào được gọi tên?

Theo Lan Hương/laodong.vn

“Dự báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nới room tín dụng vào cuối quý III, IV, nhưng vẫn trong biên độ điều hành 14%. Việc nới room tín dụng chỉ nên ưu tiên cho các ngân hàng tập trung cho vay 5 lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ”, TS. Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, hiện là Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, cho biết.

"Dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng cho một số ngân hàng trong nửa cuối quý III và quý IV", TS. Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết.
"Dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng cho một số ngân hàng trong nửa cuối quý III và quý IV", TS. Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Cạn “room tín dụng” là câu chuyện nóng trong hệ thống ngân hàng. Tính đến ngày 15.8.2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Nếu quan sát trong vòng hơn 1,5 tháng qua, tín dụng ngành ngân hàng chỉ tăng 0,27%. Nhiều sếp lớn ngân hàng cho biết đã cạn room tín dụng cho vay từ lâu. 

Câu hỏi nóng: “Bao giờ NHNN nới room tín dụng? Ngân hàng nào được sẽ được nới room?”

Trả lời phóng viên báo Lao Động, TS. Nguyễn Tuấn Anh, cho rằng, với những động thái từ phía cơ quan quản lý nhà nước gần đây, có thể NHNN sẽ sớm điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong biên độ điều hành, trên nguyên tắc thận trọng, đảm bảo an toàn vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

TS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Hiện dư địa tăng trưởng tín dụng còn khá lớn (4 tháng cuối năm còn khoảng 4,42%, tương đương gần 500.000 tỷ đồng). Tôi tin NHNN sẽ sớm điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng trong biên độ điều hành 14%. Việc điều chỉnh tuân thủ theo nguyên tắc tổ chức tín dụng nào có “thể chất” tốt hơn, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia đóng góp nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống và chủ trương của Chính phủ sẽ được ưu tiên nới room tín dụng”.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam luôn cao hơn so với tăng trưởng GDP cho thấy nền kinh tế thâm dụng vốn khá cao. Đặc biệt, hiện nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế có những hạn chế và tập trung vào hệ thống ngân hàng, việc các ngân hàng bị hạn chế room tín dụng có thể dẫn đến những diễn biến không tốt.

Việc phân bổ dần dần hạn mức tín dụng ngay trong nửa cuối quý III và tiếp tục sang quý IV/2022 sẽ giúp hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp vận hành nhịp nhàng, hài hoà trong tổng thể cùng với các yêu cầu về an toàn vốn. Thậm chí, nới room tín dụng có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa huy động và cho vay, bởi dòng tiền tiết kiệm sẽ không phải sử dụng đến khi nguồn tiền vay đã sẵn sàng.

TS. Nguyễn Tuấn Anh, cho rằng "Nên xem xét bỏ biện pháp này khi các tổ chức tín dụng đã đạt được chuẩn Basel II, chỉ quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR)".
TS. Nguyễn Tuấn Anh, cho rằng "Nên xem xét bỏ biện pháp này khi các tổ chức tín dụng đã đạt được chuẩn Basel II, chỉ quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR)".

“Việc nới room tín dụng chỉ nên ưu tiên cho các ngân hàng tập trung cho vay 5 lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ như sản xuất, dịch vụ, nhất là các ngành kinh doanh trọng điểm bao gồm thương mại, xuất nhập khẩu, nông lâm thủy sản… Với những ngân hàng có dư nợ tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và cần tiếp tục tăng cường quản lý. Mặc dù không hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực này, song cần kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hướng tới mục tiêu an toàn hệ thống. Nền kinh tế đang phục hồi, nhưng chưa đồng đều, nên nắn dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ là mục tiêu hàng đầu”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói. 

NHNN nên xem xét bỏ room tín dụng khi các  hàng đã đạt được chuẩn Basel II

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện có nên hay không nên giữ room tín dụng.

TS. Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: “Không thể phủ nhận rằng cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng trong hơn 10 năm qua cho thấy phần nào tính ưu việt. Cá nhân tôi cho rằng, NHNN nên linh hoạt điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế trong các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, công cụ này cũng dễ gây ra những “hiểu lầm” bởi lý do một số chuyên gia kinh tế cho rằng room tín dụng vẫn đâu đó còn mang phong cách “bao cấp”, công cụ hành chính, không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường…

Có thể, việc duy trì quản lý room tín dụng tiếp tục là giải pháp tạm thời, nhưng về lâu dài, NHNN nên xem xét bỏ biện pháp này khi các tổ chức tín dụng đã đạt được chuẩn Basel II (tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế một cách đầy đủ), chỉ quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR)”.

Theo TS Tuấn Anh, từ năm 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức 2 con số, room tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để NHNN kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.

Lạm phát của Việt Nam đến từ yếu tố chi phí đẩy, chủ yếu là do giá xăng dầu cũng như giá nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào cho sản xuất - kinh doanh tăng cao. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy việc “nhập khẩu lạm phát” vào Việt Nam, đòi hỏi công tác điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ phải thận trọng hơn.

“Việc xác định rõ lạm phát của Việt Nam hiện nay đến từ chi phí đẩy, nghĩa là không xuất phát từ yếu tố tiền tệ, nhưng rủi ro trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu, nên việc NHNN chưa bỏ room tín dụng là phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.