Ngân hàng sẽ "đau đầu" với nợ xấu vì dịch Covid-19?

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Dù quyết liệt xử lý nợ xấu, nhưng hết năm 2019, tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng ở mức trên 3% như VPBank, trong khi LienVietPostBank, TPBank... cũng tăng mạnh về giá trị nợ xấu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đáng lưu ý, nợ xấu ở các ngân hàng có nguy cơ tiếp tục gia tăng do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến các khoản vay của khách hàng.

Ngân hàng sẽ "đau đầu" với nợ xấu vì dịch Covid-19? - Ảnh 1

Bảng so sánh tỷ lệ nợ xấu ở 21 ngân hàng trong 2 năm 2018 và 2019

Nợ xấu đã thực chất?

Khảo sát tại 21 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2019, tính đến cuối năm 2019, tổng nợ xấu của các ngân hàng này là trên 79,78 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức gần 80,3 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm theo đó đã giảm xuống còn 1,47% từ mức 1,72% hồi đầu năm. Trong đó, có tới 17/22 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm.

ACB, BacABank và Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống: chưa tới 1% và đều cải thiện chất lượng nợ. Cụ thể, xấu của ACB giảm từ 0,73% xuống 0,54% - mức thấp nhất hệ thống. BacABank có tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,68% và Vietcombank là 0,78%.

Trong khi đó, dù không nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% nhưng trong năm 2019, MSB lại dẫn đầu về đà giảm tỷ lệ nợ xấu, từ 3,01% xuống 2,04%. Giá trị nợ xấu giảm 11% xuống 1.300 tỷ đồng trong khi dư nợ cho vay vẫn tăng 31% lên 63.594 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn giảm 21% xuống 981 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác giảm mạnh về tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 như: VietinBank giảm 21% từ 9.470 tỷ đồng xuống còn 7.204 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng giảm từ mức 1,58% năm 2018 về còn 1,16% năm 2019.

Vấn đề đặt ra là liệu con số nợ xấu như vậy đã phản ánh đúng thực chất hay vẫn còn lấp ló đâu đó những khoản nợ có khả năng trở thành nợ xấu nhưng chưa được ghi nhận chính xác?

Báo cáo tài chính của các ngân hàng trong năm 2019 cho thấy vẫn còn một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, vượt mức 3% như VPBank là 3,42%. Trong khi đó, một số ngân hàng tăng mạnh về giá trị nợ xấu như LienVietPostBank với mức tăng gần 21% về giá trị trong năm 2019, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,41% năm 2018 lên 1,44%. TPBank cũng tăng giá trị nợ xấu 1.235 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,1% đầu năm lên 1,3%...

Nợ xấu mới đã phát sinh?

Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu đưa nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% trong năm nay có khả năng không thực hiện được, bởi ngành ngân hàng chịu tác động tiêu cực gián tiếp từ dịch Covid-19 đang lan rộng toàn thế giới.

VPBank ước tính tổng số khách hàng của ngân hàng này bị tác động trong đợt dịch bệnh Covid-19 có thể lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể gia tăng nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, Ngân hàng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng.

Hiện, khách hàng vay vốn của Agribank hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn, chiếm 70%. Vì vậy, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), năm 2019, lượng nợ xấu của hệ thống tín dụng đã giảm xuống, bởi ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp từ trước đến nay để công cuộc xử lý nợ xấu đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, trong năm 2020, không chỉ ảnh hưởng từ dịch bệnh, ngành ngân hàng còn chịu tác động do nền kinh tế thế giới cũng đang tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế đang điều chỉnh theo chu kỳ, có một số ngành sau một giai đoạn tăng trưởng rất cao đã chững lại, hàng tồn kho nhiều nên doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất; bất động sản chững lại khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chững lại…

Vì thế, triển vọng ngành ngân hàng không sáng sủa bằng năm 2019, nên khi có bệnh dịch bùng phát thì có tác động tiêu cực hơn, nợ xấu đáng lo ngại hơn.

"Có khả năng nợ xấu năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước, còn mức tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước cũng như việc đưa ra chiến lược hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng", ông Độ cho hay.