Ngân hàng tung hàng nghìn tỷ đồng vốn vay lãi suất thấp

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đua nhau tung những gói tín dụng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã bùng phát lại tại nhiều địa phương trong cả nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại các địa phương có dịch đã và đang chịu ảnh hưởng nhất định. Trong đó, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX)… tiếp tục là đối tượng dễ bị tổn thương.

Ngân hàng luôn bật chế độ hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân. Điển hình, Vietcombank vừa tung ra gói vay dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX… lãi suất 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay từ 12 tháng trở xuống; 6,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 12 - 24 tháng và 7,29%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng.

Riêng với khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, ngân hàng này cũng dành gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất đặc biệt ưu đãi chỉ 5,7%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng; 6,3%/năm đối với khoản vay từ 6 - 9 tháng và 6,9% với khoản vay từ 10 - 12 tháng.

Tương tự, BIDV đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất nhập khẩu, với lãi suất từ 3,8%/năm - 6,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 3 - 9 tháng.

Không chỉ tung ra các gói vay với lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân, các ngân hàng đang gấp rút thực hiện Thông tư 03 về cơ cấu nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung thừa nhận, với sự quay trở lại lần thứ 4 của dịch Covid-19 tại Việt Nam chắc chắn tác động đến hoạt động kinh tế nói chung, ngân hàng nói riêng. Doanh nghiệp kinh doanh khó khăn hơn, thu nhập của người dân sẽ giảm đi, số lượng người mất việc cũng gia tăng... Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng. Khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ cũng bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo một ngân hàng khác cho biết, đối với khách hàng đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ đợt dịch này, ngân hàng chủ động đến làm việc và vận dụng Thông tư 03 để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid vẫn sẽ tiếp tục được ngân hàng cho phép hoãn, giãn, tái cơ cấu khoản nợ theo quy định tại Thông tư 03 sửa đổi bổ sung Thông tư 01. Qua đó giảm áp lực tài chính cho người dân cũng như cả ngân hàng”, vị này khẳng định.

Thậm chí, để việc thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng trong diện rộng, một số ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng với tỷ lệ rất cao lên đến 200%.

Cần thông thoáng cơ chế hỗ trợ

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành ngân hàng luôn bật chế độ hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Chẳng hạn, ngay khi dịch bùng phát, ngành ngân hàng đã tính đến phương án giảm lãi suất. So với mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường đầu tháng 5/2021 đang phổ biến trong khoảng 3-7%/năm, mức lãi suất cho vay từ 6%/năm nói trên được đánh giá là khá hấp dẫn và cạnh tranh trên thị trường vay vốn hiện nay.

Tuy nhiên, dù ngành ngân hàng đang tung ra hàng vạn tỷ đồng vốn vay lãi suất thấp, nhưng số lượng doanh nghiệp, HTX và người dân có nhu cầu lại chưa tiếp cận được vẫn còn rất lớn.

Nguyên nhân được cho là còn bất cập ở khâu thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn gồm: lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ.

Với các thủ tục này, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX là nhóm cần hỗ trợ nhất nhưng cũng là nhóm khó tiếp cận chính sách… Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất cho vay tín chấp dựa trên tiềm lực, uy tín, thương hiệu…

Lý giải cho việc khó tiếp cận nguồn lực tài chính từ ngân hàng và hiệu quả hấp thụ vốn chưa cao ở số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã thấp hơn nhiều so với trước khi dịch bệnh xuất hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.

Nếu doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn thì chủ yếu do chưa đáp ứng đủ điều kiện cho vay theo quy định của NHNN và các ngân hàng thương mại.

Một số khách hàng có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng không có nguồn vốn tự có, ngân hàng sẽ rất khó để cho vay. Hoặc khách hàng muốn kinh doanh, khởi nghiệp nhưng phương án kinh doanh thiếu hiệu quả, rủi ro cao thì ngân hàng cũng phải cân nhắc.

Có thể lấy ví dụ như trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, một HTX vận tải không thể thế chấp bằng xe vận tải để vay vốn, nếu cho vay mà dịch vẫn tiếp tục diễn ra, chưa biết khi nào đón khách trở lại sẽ rất khó cho ngân hàng trong việc quản lý hiệu quả khoản nợ…

“Những quy định hiện tại chưa rõ ràng về trách nhiệm của doanh nghiệp, HTX trong vấn đề vay tín chấp nên ngân hàng cũng chưa mạnh dạn cho vay được", vị lãnh đạo ngân hàng này cho hay.